Bạn đọc

Lời hứa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Con gái tôi 2 tuổi. Một lần, bé hái bông mai trong vườn nhà bà nội mang về nhà. Tuy nhiên, trên đường đi, con lỡ đánh rơi. Bé liền nhờ bố nhặt giùm thì chồng tôi bảo, bông hoa hư rồi, để bố hái cho con bông khác. Anh nói rồi quên mất câu chuyện đó. Hôm sau, tôi nhắc khéo chồng: “Anh đã quên mất lời hứa với con gái, anh nhớ không”. Lúc này, chồng tôi mới nhớ: “Ừ, để anh hái tặng con bông hoa khác”.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện người bạn vừa kể mới đây. Chả là, cô ấy đưa con đi khám bệnh. Cháu bé khóc, cô ấy dỗ dành: “Nín đi rồi mẹ mua bim bim”. Đứa bé nín khóc và nói: “Mẹ mua bim bim cho con nha”. Cô ấy ừ với con rồi quên bẵng đi.
Cho đến 1 tuần sau, đứa trẻ nhắc lại: “Hôm nay, con đi học ngoan, mẹ mua bim bim nha”. Nghe câu nói của con, cô ấy chợt nhớ ra tuần trước đưa con đi khám đã hứa với con mà chưa thực hiện được. Con không nhắc nhưng tự dưng cô cảm thấy có lỗi. Trên đường đi làm về, cô liền mua gói bim bim cho con vì đã hứa với bé.
Ảnh minh họa: INTERNET
Người lớn thường hứa với con trẻ, nhưng rồi, vì một lý do nào đó mà chúng ta quên không thực hiện. Thậm chí, có người còn cho rằng, trẻ con ấy mà, lời hứa không quan trọng. Nhưng với trẻ lại khác. Lời hứa là niềm tin. Trẻ trông chờ và kỳ vọng về điều đó.
Trẻ học các hành vi của người lớn thông qua con đường bắt chước. Vì vậy, nếu chúng ta làm mất niềm tin, không giữ lời hứa sẽ khiến trẻ thất vọng. Đồng thời qua đó, trẻ sẽ vô tình học hành vi đó từ người thân mà đem ra ứng xử trong quá trình giao tiếp sau này.
Giáo dục là một quá trình và đòi hỏi sự đồng bộ từ mọi môi trường, trong đó, giáo dục gia đình là nền tảng. Nếu thất hứa với trẻ, thiết nghĩ, tốt nhất là người lớn nên xin lỗi, không thể lấy cái sai này sửa cái sai khác.
Cùng với đó, cha mẹ chỉ nên hứa với con những điều khả thi, trong khả năng của mình. Trong trường hợp đã hứa nhưng không thực hiện được thì phải báo lại cho con. Trẻ đã dặn mua món đồ gì đó nhưng cha mẹ quên hoặc kiếm không ra thì nên báo cho trẻ biết trước khi về nhà để các cháu không phải trông chờ và thất vọng.
Người Nhật rất coi trọng chữ tín. Đó cũng là một trong những đức tính tốt góp phần tạo ra một nước Nhật hùng cường. Và rất nhiều sách dạy con của người Nhật nhấn mạnh đến chữ tín, đã hứa phải làm cho bằng được để con cái có thể thực hiện hành vi giữ lời hứa từ nhỏ. Đó còn là nền tảng cho việc tạo lập thói quen đi làm đúng giờ, tính chính xác khoa học của một đất nước công nghiệp hiện đại.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm