Kinh tế

Doanh nghiệp

Lối rẽ của doanh nhân trẻ Phạm Văn Hướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhẹ nhàng, chịu khó nhưng rất quyết đoán-đó là những tính cách nổi bật giúp chàng trai trẻ 8X Phạm Văn Hướng (ảnh)-hiện là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Hùng Phát Gia Lai-gặt hái thành công trên thương trường.
    
Câu chuyện khởi nghiệp của Phạm Văn Hướng khá gian truân. Anh bảo: “Là người yêu thơ và cũng là người trong cuộc nên mình cảm nhận rất rõ ý nghĩa bài thơ Nghe tiếng giã gạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là câu Gian nan rèn luyện mới thành công”.

 

Ảnh: H.Đ.T
Ảnh: H.Đ.T

Gian nan rèn luyện

Năm 1999, từ quê hương Nam Định, anh một mình khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh để theo học tại Trường Cao đẳng Giao thông-Vận tải. Năm 2002, sau khi ra trường, anh không về quê mà quyết định trụ lại thành phố sôi động bậc nhất cả nước để lập nghiệp. Bước đầu anh xin vào làm nhân viên ở một công ty chuyên về xuất nhập khẩu lao động, rồi nhân viên bán hàng thủy sản. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm và vốn, anh “ra riêng” bằng cách mở một công ty chuyên về xây dựng cầu đường. Lúc đầu cũng có vài công trình nhỏ, sau đó anh tiếp tục nhận các công trình của Nhà nước. Hướng kể: Lúc nhận công trình thì dự án mới được duyệt nên anh chấp nhận vay để thi công rồi quyết toán sau, nào ngờ thời điểm này Chính phủ lại có nghị quyết cắt giảm các dự án đầu tư công khiến công trình không quyết toán được, các khoản vay đầu tư “chết cứng”. Hướng như ngồi trên đống lửa vì nợ nần nhiều, thậm chí một số người cho anh vay tiền đã nhờ đến các đối tượng giang hồ đến gặp anh để đòi nợ.

Trước tình cảnh ấy, một người bạn gợi ý anh nên… đổi nghề. Qua tìm hiểu thị trường, Hướng thấy thời điểm đó nghề làm cửa nhôm, kính các loại đang thịnh, thế là anh quyết định chuyển nghề. Anh đến một cơ sở xin học nghề và chỉ trong vòng 15 ngày đã tiếp thu hết các kỹ thuật làm cửa nhôm, kính và vận hành các loại máy móc chuyên dụng. Tuy nhiên, với tay nghề và phương tiện sản xuất lúc đó, anh nhận thấy khó cạnh tranh nổi nếu tiếp tục trụ lại TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, đầu năm 2012 anh bàn với vợ ý định quay về quê vợ ở Gia Lai. Bạn bè can ngăn rất nhiều trước ý định bỏ phố về rừng, vợ anh lúc ấy cũng đang làm ở một ngân hàng và có thu nhập ổn định. Song Hướng vẫn quyết định bán tất cả gia sản mà anh gây dựng được (khoảng 700 triệu đồng) và về Gia Lai để bắt đầu hành trình khởi nghiệp mới.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của PHẠM VĂN HƯỚNG
- Doanh nhân thành đạt chính là nhờ tri thức, vì vậy phải chịu khó học hỏi.
- Nhanh nhạy nắm bắt thị trường.
- “Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Khởi nghiệp từ thất bại

Về Pleiku, vợ chồng Hướng thuê nhà để ở trọ và thuê mặt bằng mở xưởng. Lúc đầu khởi nghiệp, anh gặp phải không ít khó khăn, nhất là về nguồn vốn đầu tư mở xưởng, thị thường tiêu thụ sản phẩm… Anh phải lặn lội đi các huyện và gặp các nhà thầu để giới thiệu sản phẩm với phương châm vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và vốn để mở rộng sản xuất. Để tạo dựng uy tín, anh đầu tư cho ra các sản phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý, nhờ vậy mà khách hàng của anh ngày càng nhiều. Nhờ chịu khó và nắm bắt thị trường nhanh nhạy, sản phẩm chất lượng nên sau 5 năm khởi nghiệp, anh đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi bề thế với quy mô nhà xưởng 1.000 m2, trang bị các máy móc hiện đại với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng, xây dựng được một căn nhà khang trang, mua sắm được 3 ô tô phục vụ cho việc kinh doanh. Doanh nhân trẻ này cho biết anh cũng đã trả hết các khoản nợ do khởi nghiệp thất bại ở TP. Hồ Chí Minh trước kia.

Hiện cơ sở sản xuất của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 thanh niên với mức lương bình quân 5-7 triệu đồng/tháng. Là một thành viên của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, anh còn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội từ thiện do Hội tổ chức. Anh tâm sự: “Để khởi nghiệp thành công và đưa doanh nghiệp phát triển bền vững, doanh nhân phải có ý thức trách nhiệm với xã hội. Trách nhiệm này không chỉ thể hiện bằng việc nộp thuế, bằng các hoạt động thiện nguyện mà còn cần phải kiến tạo và hỗ trợ thế hệ đi sau tiếp bước mình. Có như vậy, doanh nghiệp đó mới nhận được sự ủng hộ từ xã hội và có thể phát triển bền vững”.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm