Kinh tế

Doanh nghiệp

Lời tâm huyết từ doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Rất nhiều ý kiến tâm huyết của các doanh nghiệp tư nhân gửi đến Chính phủ, chỉ ra những tồn tại và tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế trong giai đoạn mới
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương đồng chủ trì diễn ra trong 2 ngày 2 và 3-5 tại Hà Nội, gần 2.500 doanh nghiệp (DN) tư nhân thuộc nhiều lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, kinh tế số, hàng không, du lịch... đã gửi kiến nghị tới Chính phủ.
Trăn trở chuyện thương hiệu nông sản
Câu chuyện giải cứu nông sản được ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, dẫn chứng như một điểm nghẽn lớn của ngành nông nghiệp. Mặc dù bức tranh của ngành đã có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây nhưng tình trạng được mùa - mất giá vẫn là điệp khúc đối với ngành. Ngoài ra, ông Thòn lo chất lượng sản phẩm chưa cao, nông sản không có thương hiệu, năng suất lao động thấp.
Theo vị chủ tịch HĐQT này, thương hiệu vẫn là bài toán cần được giải quyết từ gốc rễ chứ không đơn thuần là xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, khép kín. "Khi chưa có thương hiệu thì bản chất vẫn chỉ là chuyển cái khó của nông dân sang DN. Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời từ chỗ sử dụng chuỗi sản xuất khép kín với 105.000 ha đất nhưng hiện chỉ còn hơn 30.000 do khó khăn này" - ông Thòn nói. Ông kiến nghị nhà nước chỉ nên đóng vai trò trọng tài trong "cuộc chơi" giữa DN với nông dân để tạo sân chơi liên kết, bền vững hơn. Song song đó, kiến nghị Chính phủ xây dựng đội ngũ nhân lực nông nghiệp gắn với thực tiễn, thấu hiểu tâm tư nông dân và hơi thở của đồng ruộng.
 
Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp đã xây dựng được chuỗi liên kết hiệu quả và phát triển thị trường Ảnh: Hoàng Triều
Cũng băn khoăn về yếu tố con người trong phát triển ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch Công ty TNHH Nông nghiệp United, chỉ ra rằng nhiều kỹ sư nông nghiệp không lăn lộn với nghề nên cần đào tạo đội ngũ công nhân nông nghiệp bằng cách mở các lớp trung cấp nông nghiệp gắn với lý thuyết và thực hành. "Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ cho người dân đi học, nếu đạt yêu cầu khóa học thì cấp bằng cho họ" - ông Dân kiến nghị.
Một số đại biểu tham gia diễn đàn cũng đề cao vai trò dẫn dắt thị trường của các DN lớn, mong muốn những tập đoàn kinh tế sẽ là "đầu tàu" tạo ra chuỗi liên kết hiệu quả nhất.
Giải bài toán phát triển du lịch
Các DN trong lĩnh vực du lịch thì "mổ xẻ" thực trạng Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, tiềm năng du lịch lớn nhưng sức hút còn hạn chế. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Transviet Travel, cho rằng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên đóng vai trò "nhạc trưởng" trong các hoạt động phát triển về chất để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, địa phương phải tiên phong trong các kế sách về du lịch. Du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã chuyển mình sau nhiều năm mang tiếng xấu về nạn chặt chém, lừa đảo là một ví dụ. Cũng theo ông Đạt, cần có bộ tiêu chí chấm điểm về an ninh trật tự, quản lý môi trường điểm đến, cơ sở hạ tầng, chất lượng và sự hấp dẫn. Các tiêu chí này được đánh giá bởi khách du lịch, các chuyên gia lữ hành và thực hiện hằng năm, nhờ đó địa phương sẽ "nhìn lại mình". Ngoài ra, trên cơ sở kết quả đánh giá, du khách sẽ lựa chọn tới các nơi có điểm số cao, thúc đẩy cạnh tranh du lịch chung trong cả nước.
Đại diện một số DN băn khoăn khi du lịch Việt Nam chưa định hình sản phẩm nòng cốt (chẳng hạn Thái Lan được biết đến là thiên đường mua sắm). Tổng Giám đốc Công ty TNHH JTB - TNT Nguyễn Văn Tấn chỉ ra nhiều hoạt động du lịch của Việt Nam như festival Huế, hoa Đà Lạt, trái cây Nam Bộ, cà phê Đắk Lắk ban đầu được quảng bá rầm rộ nhưng lâu dần không giữ được sức "nóng". "Ẩm thực là thế mạnh của nước ta nên cần được quan tâm đúng mức để phát triển, tạo thương hiệu du lịch, "đóng đinh" trong lòng du khách" - ông Tấn kiến nghị.
Chủ động hội nhập
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá là cơ hội đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, mở ra cơ hội thuận lợi cho 700.000 DN, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh... Dù còn nhiều khó khăn nhưng đây sẽ là động lực, cảm hứng để các DN vượt qua chính mình, hội nhập từ bên trong, cải cách kinh tế Việt Nam sau WTO.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho hay công ty đã có sự chuẩn bị để bước vào sân chơi CPTPP. Ngay trong tháng 5 này, Tổng Công ty May 10 sẽ tập trung vào thị trường Canada, gặp gỡ khách hàng để giới thiệu các sản phẩm. "Để tận dụng các lợi thế từ CPTPP, DN phải tự nghiên cứu, tìm hiểu, đặc biệt là các ưu đãi thuế quan; không nên ngồi chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ" - ông Việt nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam, kiến nghị nhà nước cần hoàn thiện thể chế về đầu tư công - tư, sửa đổi Nghị định đầu tư công - tư số 63/2018. "Việc hợp tác công - tư của các bộ, ngành liên quan để phát triển kết cấu hạ tầng logistics cũng cần được xem xét. Với sự phát triển của xuất nhập khẩu, đề nghị bộ nhanh chóng phát triển cảng biển, cảng hàng không, đường bộ" - ông Tương nói đồng thời kiến nghị xây dựng trung tâm logistics khu vực Cần Thơ, phát triển hệ thống kho lạnh và mát ở ĐBSCL. 
Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp thanh toán điện tử

Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đề xuất ưu đãi thuế cho DN tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tăng tính minh bạch về tài chính của DN. Theo ông Tuấn, còn nhiều rào cản khiến tỉ lệ thanh toán điện tử còn thấp. Trong đó, chủ yếu do hạn chế về hạ tầng, thói quen của người dân khi có đến 80% người đủ độ tuổi mở thẻ nhưng vẫn dùng tiền mặt và chưa có nhiều chính sách khuyến khích DN tham gia.

Đừng bỏ quên lực lượng phi kinh tế
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết chủ trương của nhà nước là xây dựng nền tảng các DN tư nhân có tiềm lực nhưng dường như đang bỏ quên lực lượng phi kinh tế mặc dù lực lượng này đang đóng góp không nhỏ cho GDP. Theo ông Viên, Chính phủ cần có sự quan tâm hỗ trợ để nhóm phi kinh tế phát triển bài bản cũng như ngăn chặn nhóm DN nhỏ và vừa lùi về phi kinh tế. Nếu DN vừa và nhỏ không được hỗ trợ, mất đi khả năng cạnh tranh sẽ dễ tham gia vào nhóm phi kinh tế: trốn thuế, né thuế... để bán hàng và tạo vòng quay thị trường. Vì vậy, cần có sự quan tâm đúng mức đến các DN nhỏ và vừa và có chiến lược hỗ trợ họ phát triển bài bản, đúng định hướng. Nguyên tắc là hãy quan tâm rồi sẽ có định hướng; nếu không quan tâm thì không thể có định hướng đúng.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, cần nhìn nhận rõ nền tảng của phát triển nông nghiệp phải dựa trên nền tảng nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe chứ không phải trên cơ sở cái DN có thể làm được để từ đó có chủ trương, chính sách phù hợp.

T.Nhân

Minh Chiến (Người Lao động)

Có thể bạn quan tâm