Kinh tế

Giá cả thị trường

Lốp ôtô xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá vào Hoa Kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) kết luận, các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá lốp xe ôtô vào Hoa Kỳ.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ đối với nội dung phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe ôtô của Việt Nam và một số nền kinh tế khác. Theo đó, trên cơ sở thông tin, dữ liệu từ các doanh nghiệp xuất khẩu, DOC cho rằng các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá lốp xe ôtô vào Hoa Kỳ. Trong khi đó, các đối tác bị điều tra khác đều bị cho là đã bán phá giá với biên độ phá giá từ 14,24% đến 38,07% đối với Hàn Quốc; 52,42% đến 98,44% đối với Đài Loan (Trung Quốc) và từ 13,25% đến 22,21% đối với Thái Lan.

Trong vụ việc này, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam như Sailun, Kenda, Bridgestone, Kumho và Yokohama đều được coi là không bán phá giá, trong khi các doanh nghiệp còn lại chịu mức thuế suất toàn quốc là 22,3%.

Bộ Công Thương đánh giá, đây là một kết quả hết sức tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe của Việt Nam bởi Hoa Kỳ là thị trường lớn và quan trọng nhất đối với ngành sản xuất lốp xe khi kim ngạch các doanh nghiệp không bị áp thuế chiếm tới 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ôtô sang Hoa Kỳ của Việt Nam năm 2019 (khoảng 470 triệu USD theo số liệu của hải quan Hoa Kỳ).

Việc DOC xác định mức thuế phá giá 0% đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm này của Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan. Thêm vào đó, kết luận này cũng mang lại lợi ích đáng kể cho ngành ngành caosu và nông dân trồng caosu của Việt Nam khi một số lượng lớn caosu khai thác tại Việt Nam được sử dụng để làm sản phẩm lốp xe.

Trước đó, trong kết luận điều tra sơ bộ đối với nội dung trợ cấp, các công ty Việt Nam đã bị coi là nhận trợ cấp với mức từ 6,23% đến 10,08%. Như vậy, tổng mức thuế sơ bộ mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu đối với cả phá giá và trợ cấp là từ 6,23% – 29,04%. Ngoài ra, nếu tiếp tục giữ được mức thuế thấp (dưới 2%) trong kết luận cuối cùng thì các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của ta sẽ được loại ra khỏi phạm vi vụ việc áp thuế chống bán phá giá.

Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 14 tháng 5 năm 2021. Trong bối cảnh đó, việc sản phẩm của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan trong vụ việc điều tra này bị xác định biên độ phá giá ở mức 13,25 - 98,44% và phải đặt cọc với mức độ tương ứng là một lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.

Sau khi ban hành kết luận sơ bộ, theo thông lệ các vụ việc trước đây, DOC có thể tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với doanh nghiệp trong thời gian tới để xác minh lại các thông tin đã gửi trong bản trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hoa Kỳ thông báo sẽ không tiến hành thẩm tra tại chỗ mà yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin bổ sung để thẩm tra số liệu trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp liên quan tiếp tục triển khai công tác ứng phó với vụ việc nhằm đảm bảo kết quả tích cực, có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

 

https://laodong.vn/kinh-te/lop-oto-xuat-khau-cua-viet-nam-khong-ban-pha-gia-vao-hoa-ky-871767.ldo

Theo PHẠM DUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm