Xã hội

"Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều hôm, khi ánh mặt trời đã chín đỏ, tôi dừng chân bên cánh đồng vừa gặt rồi dạo khắp các con đường dẫn vào những ngôi làng ở TP. Pleiku. Nơi đây đang trải một màu vàng óng của lúa, của rơm. Bất giác, tôi nghe trong không gian ấy ngào ngạt hương lúa, hương của đồng quê, no ấm.

Đâu đó, trên những đám ruộng khô, từng nhóm người Jrai vẫn miệt mài xốc rơm dọn cất. Mùi thơm ngai ngái, thoang thoảng của rơm vừa khô cùng dáng vẻ khỏe khoắn của người nông dân dưới ánh nắng chiều khiến tôi cảm thấy cuộc sống thật bình yên. Vừa thu hoạch xong những bông lúa nặng trĩu, chín vàng sau bao ngày đổ mồ hôi chăm sóc, bà con lại tất bật phơi lúa, cuộn rơm… để cất dành. Gọi là cất dành bởi lúa họ sẽ để ở góc nhà sàn và sẽ đưa ra dùng dần cho tới vụ mùa kế tiếp mà không phải mua thêm gạo ăn. Còn rơm khô thì bó thành cuộn, gác lên cao để gia súc có cái ăn trong mùa đông sắp tới. Ông Siu Núi-già làng Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vui vẻ bảo rằng: Làng Ốp nằm giữa lòng Phố núi nhưng người dân bao đời nay vẫn gắn bó với cây lúa. Rễ lúa uống nước dòng suối Ia Nil mát lành, bông lúa ngậm đầy bao giọt mồ hôi của người làng nên chúng tôi nâng niu cây lúa như máu thịt của mình. Lúc thu hoạch, người làng cảm thấy như được trả công xứng đáng cả về vật chất cũng như tinh thần.

 Sau khi tuốt lúa, phần rơm được cất dành làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Mai Ka
Sau khi tuốt lúa, phần rơm được cất dành làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Mai Ka


Đường làng những ngày này trải đầy rơm và vấn vít hương lúa mới. Trẻ con trong làng ra chạy nhảy, ném rơm lên không trung và nhắm mắt cho rơm phủ lên tóc tai, quần áo rồi cười khúc khích. Những cọng rơm loạt xoạt dưới chân người, quấn vào bánh xe, vương đầy hàng rào... Trưa hanh nắng, nhà nhà đi trở từng lớp rơm để chóng khô. Khi cọng rơm đã ngả từ màu xanh sang màu vàng, quắt lại thành những cọng nhẹ bẫng, dân làng cuộn rơm lại thành những bó to để tích trữ. Nhà nào nuôi nhiều gia súc thì cần càng nhiều rơm dự trữ, vừa làm thức ăn, vừa ủ ấm cho chúng trong mùa đông. Bên những cuộn rơm vàng óng là những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi nhưng vẫn luôn đon đả, tươi cười. Và như đã trở thành lệ, khi nào những cuộn rơm ấy được cất lên cao là mùa màng kết thúc.

Thân rơm khi đã dâng hết vị ngọt ngon nuôi dưỡng mùa màng sẽ trở về trong đời sống người nông dân bằng dáng vẻ xơ xác, gầy gò. Tuy nhiên, ẩn sâu trong nó vẫn là những nồng đượm, thơm tho. Mùi rơm thơm nồng làm dậy ngát cả làng quê. Ngoài mùi vị của no ấm còn có cả mùi vị của chân chất, bình dị và cả một khoảng trời thương nhớ. Tuổi thơ ai đã từng thấy mẹ dùng rơm để nấu cơm, nấu nước; rút rơm để cho trâu, bò ăn vào mùa mưa rét hay đem rơm đốt lửa sưởi ấm… thì mới cảm nhận hết được mùi rơm xốc vào mũi ngai ngái mà dễ chịu, thân thương. Cái mùi ngan ngát trong lồng ngực ấy không dễ quên của biết bao người con lớn lên từ làng quê, ruộng đồng.

Tôi thấy mình thật may mắn khi sống ở phố mà vẫn có thể dễ dàng gặp lại mùa gặt, được tận hưởng mùi rơm thơm. Hẳn những bước chân ai ra đi từ làng chắc chắn cũng sẽ luôn thao thiết trở về trong hương lúa-hương rơm, trong tình yêu thiết tha dành cho ruộng đồng. Rơm như níu giữ, quấn quýt bước chân người. Mùi rơm thơm, mùi hương nồi cơm gạo mới, mùi cỏ dại ven bờ ruộng vừa gặt... hòa quyện nhau theo gió thoang thoảng trở thành mùi vị riêng của làng. Ấy là mùi vị ấm no, đủ đầy của một “mùa vàng”.

 MAI KA
 

Có thể bạn quan tâm