Bạn đọc

“Luật ngầm” trên lòng hồ thủy lợi Ia Mláh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Muốn dùng thuyền qua lòng hồ thủy lợi Ia Mláh để đến rẫy, người dân xã Ia Mláh, huyện Krông Pa phải cắn răng nộp phí… “mua đường đi”. Tuy nhiên, khoản phí này lại không phải do công ty, xí nghiệp trực tiếp quản lý lòng hồ quy định, mà là “luật ngầm” của một cán bộ và người trúng thầu nuôi cá tự lập ra…

Ép dân nộp phí qua lòng hồ?

Công trình thủy lợi Ia Mláh được khởi công năm 2005, đến năm 2009 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau khi hồ thủy lợi tích nước, hàng trăm ha đất canh tác của người dân vĩnh viễn chìm sâu dưới lòng hồ (đã được đền bù). Tuy nhiên, còn gần 20 ha đất sản xuất không bị ngập nên người dân tiếp tục canh tác. Để thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển nông sản, những hộ dân có đất sản xuất đã góp tiền mua thuyền đi lại qua lòng hồ. Để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, Xí nghiệp Thủy nông Ia Mláh đã nhiều lần nhắc nhở, không cho phép thuyền bè lưu thông.

 
Hồ Ia Mláh trở thành điểm trung chuyển gỗ của lâm tặc. Ảnh: Anh Sơn
Hồ Ia Mláh trở thành điểm trung chuyển gỗ của lâm tặc. Ảnh: Anh Sơn

Trên thực tế, do không thể bỏ nương rẫy, nên các hộ dân đã mua sắm thêm áo phao và cam kết chấp hành những quy định an toàn để xin được đi lại. Cuối năm 2011, Xí nghiệp Thủy sản (thuộc Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai) hợp tác với ông Đặng Văn Dũng (chủ cây xăng ở xã Ia Mláh) để nuôi cá trong lòng hồ và quản lý diện tích mặt nước. Kể từ đây mọi việc đi lại của người dân bắt đầu bị… “đánh thuế”.  Ông Rơ Chăm Van, ở buôn Ơi Yik, xã Ia Mláh bức xúc: “Ông Dũng nói với chúng tôi, nếu muốn dùng thuyền đi trên lòng hồ qua rẫy thì mỗi tháng phải nộp 1 triệu đồng/thuyền, nếu không sẽ không được dùng thuyền đi lại. Chúng tôi thấy điều này rất vô lý vì không có văn bản nào quy định cả, chúng tôi sẵn sàng nộp nếu có quyết định rõ ràng của Nhà nước…”.

Cũng theo những người dân ở đây cho biết, do không đồng thuận với việc thu tiền vô lý đó, ngày 30-10-2011, không biết vì sao cả 3 chiếc thuyền của các hộ dân bị… mất tích dưới lòng hồ. Dù các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền xã nhờ can thiệp, nhưng mọi việc vẫn không có gì thay đổi. Không biết làm thế nào nên từ tháng 5 đến nay, các hộ dân phải góp tiền đóng phí từ 600.000 đồng/thuyền đến 1 triệu đồng/thuyền để “mua đường” vào rẫy. Tuy nhiên, chiều 1-8, khi chúng tôi đến lòng hồ thủy lợi Ia Mláh lại chứng kiến cảnh thuyền của ông Dũng chở lâm tặc vận chuyển gỗ từ rừng đầu nguồn của hồ thủy lợi Ia Mláh về tiêu thụ.

“Thu tiền để mua dầu đi tuần tra”

Ngày 2-8, qua trao đổi với ông Rơ Ô Ri-Trạm trưởng Trạm đầu mối canh chính, Xí nghiệp Thủy nông Ia Mláh thì được biết: “Việc các hộ dân phải nộp tiền để được qua lòng hồ là có thật. Nhưng đây là việc làm của cán bộ Xí nghiệp Thủy sản và ông Dũng. Xí nghiệp Thủy nông Ia Mláh không quản lý vấn đề này. Tôi làm việc trực tiếp ở đây nên cũng đã nhiều lần chứng kiến phản ứng của người dân đối với việc thu phí của ông Dũng…”.

 

Rẫy của người dân nằm phía sau hồ thủy lợi Ia Mláh. Ảnh: Anh Sơn
Rẫy của người dân nằm phía sau hồ thủy lợi Ia Mláh. Ảnh: Anh Sơn

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, chúng tôi đã tìm gặp trực tiếp ông Đặng Văn Dũng. Ông Dũng cũng đã thừa nhận: “Việc thu phí là do tôi với anh Vi Thanh Luyến-nhân viên Xí nghiệp Thủy sản làm chứ không báo cáo với xí nghiệp. Đến nay, tôi đã đầu tư hơn 500 triệu đồng nuôi cá trong lòng hồ. Nếu không có thuyền của dân đi lại thì nhân viên của tôi chỉ đi tuần tra một lần/ngày, nhưng giờ phải đi tuần cả ngày để người dân không thả lưới bắt cá. Chúng tôi lấy tiền để đổ xăng đi tuần, không ép ai cả. Tôi cũng chỉ nói thôi, chứ chưa bao giờ ngửa tay lấy một đồng nào của dân, anh Luyến là người đứng ra thu tiền rồi mua xăng dầu tại nhà tôi... Nói thật ở đó thuyền nào cũng chở gỗ, riêng thuyền tôi chỉ chở gỗ có giấy tờ, tôi không chở lâm tặc lấy tiền, nếu tôi làm thì Công an, Kiểm lâm đã bắt tôi rồi…”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra bằng chứng về việc chiều 1-8, thuyền ông Dũng chở gỗ và lâm tặc về thì ông cho rằng: “Tôi chỉ cho mượn thuyền để anh em đi lấy gỗ về làm lục bình chơi thôi, chứ không phải chở thuê…”. Cũng theo lời ông Dũng thì việc 3 chiếc thuyền của dân bị chìm ông không hề biết, ngay cả thuyền của ông cũng bị chìm một chiếc.    

Việc ông Dũng và ông Luyến tự ý đứng ra thu phí đi lại trên lòng hồ Ia Mláh đã rõ. Đề nghị lãnh đạo Công ty TNHH Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai, chính quyền địa phương cần kịp thời chấn chỉnh để người dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Các ngành chức năng của huyện cần có biện pháp ngăn chặn con đường vận chuyển gỗ, than trái phép qua lòng hồ thủy lợi Ia Mláh.

Lê Anh-Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm