Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- * Bạn đọc M.T.Q. hỏi: Năm 2022, tôi và chồng là anh K.S. đã ly hôn. Tòa án đã có quyết định giao quyền nuôi con chung cho tôi và anh S. không phải cấp dưỡng nuôi con chung.

Cách đây khoảng 1 tuần, anh S. đã đến nhà tôi và dùng vũ lực uy hiếp, buộc tôi phải giao con chung hơn 3 tuổi. Anh S. đã giữ bé từ đó cho đến nay. Vậy tôi phải làm thế nào để anh S. trả con lại cho tôi?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn quy định như sau:

"1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Căn cứ quy định nêu trên và quyết định của tòa án, trong trường hợp này, anh S. sau khi ly hôn không được trao quyền nuôi con phải tôn trọng quyền của con được sống chung với chị là người trực tiếp nuôi dưỡng con.

Anh S. đã có hành vi gây cản trở việc nuôi con của chị, thậm chí là bắt con, chị có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom của anh S.

Ngoài ra, với hành vi đe dọa dùng vũ lực của anh S. để cưỡng đoạt gia đình chị giao cháu bé thì anh S. có thể bị xử lý hình sự về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:

- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Mức phạt cao nhất đối với tội danh này lên đến 15 năm tù. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, trong trường hợp này, anh S. là người không được trao quyền nuôi con nhưng có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm "bắt con" có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Do vậy, chị có thể nộp đơn tố cáo để yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với anh S. theo quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm