Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

* Bạn đọc M.V.K. (huyện Chư Sê) hỏi: Tôi có người chị muốn ly hôn với chồng là người Việt Nam nhưng đang lao động ở nước ngoài. Chị tôi không rõ địa chỉ. Vậy đơn ly hôn của chị tôi được xử lý như thế nào, tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Giải quyết ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ được quy định tại Điều 10 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16-5-2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể như sau:

Trong việc giải quyết ly hôn, trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài thì tòa án giải quyết như sau:

- Trường hợp qua người thân thích của bị đơn có căn cứ xác định họ có liên hệ với người thân thích ở trong nước nhưng người thân thích của họ không cung cấp địa chỉ của bị đơn cho tòa án, không thực hiện yêu cầu của tòa án thông báo cho bị đơn biết thì được coi là cố tình giấu địa chỉ.

Trường hợp tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà người thân thích của họ không cung cấp địa chỉ của bị đơn cho tòa án, không thực hiện yêu cầu của tòa án thông báo cho bị đơn biết thì tòa án tiếp tục giải quyết, xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.

- Sau khi xét xử, tòa án gửi cho người thân thích của bị đơn bản sao bản án, quyết định để họ chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của bị đơn và nơi người thân thích của bị đơn cư trú để đương sự có thể thực hiện quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện”.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của bộ luật này.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của bộ luật này”.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”.

Như vậy, tòa án cấp tỉnh nơi chồng chị cư trú cuối cùng trước khi đi xuất khẩu lao động là tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn theo quy định.

Có thể bạn quan tâm