Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ Tư vấn pháp luật về hành vi không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bạn L.H.T. hỏi: Tháng 9-2023, tòa án giải quyết cho vợ chồng tôi ly hôn, đồng thời giao con chung 3 tuổi cho tôi nuôi dưỡng. Cha của cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 3 triệu đồng cho đến khi đủ 18 tuổi.

Thế nhưng, cha của cháu chỉ thực hiện cấp dưỡng đến tháng 12-2023. Từ tháng 1-2024 đến nay, anh ta không cấp dưỡng nuôi con mặc dù có điều kiện cấp dưỡng. Vậy hành vi không cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn theo bản án của tòa án thì bị xử lý như thế nào?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của luật này”.

Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con” và khoản 1 Điều 119 quy định: “Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”.

Trường hợp của chị, tòa án đã tuyên giao con cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng và cha có trách nhiệm cấp dưỡng mỗi tháng 3 triệu đồng cho đến khi con chung đủ 18 tuổi. Người cha không thực hiện cấp dưỡng theo bản án của tòa án thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Căn cứ quy định tại Điều 57 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng-chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng-chống bạo lực gia đình, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.

Hành vi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể:

1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Tẩu tán tài sản.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể như sau:

Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Có thể bạn quan tâm