Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Lực lượng vũ trang: Chủ động phòng-chống lụt bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn xác định công tác phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của đơn vị. Vì vậy, hàng năm, đơn vị luôn chủ động phương án, kế hoạch để kịp thời ứng phó khi có các tình huống xảy ra.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, ngay từ đầu năm 2018, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị xây dựng các phương án, kế hoạch sát với tình hình thực tế của địa phương; tổ chức huấn luyện, luyện tập cho các đối tượng theo đúng chương trình, nội dung hướng dẫn của các cấp. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và “3 sẵn sàng”: chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.

 

Giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: P.D
Giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: P.D

Đại tá Lê Tuấn Hiền-Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch về hiệp đồng phòng-chống thiên tai (PCTT)-tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và tổ chức hiệp đồng PCTT-TKCN với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn. Mặt khác, hướng dẫn Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch ứng phó với bão mạnh, siêu bão; phối hợp với các ngành chức năng rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, ngập lụt để chủ động phương án.

Cũng theo Đại tá Lê Tuấn Hiền, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra việc vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình được phê duyệt. Đồng thời, đôn đốc các chủ đập thủy lợi, thủy điện khẩn trương lập, trình duyệt để thực hiện các công tác đảm bảo an toàn đập, như: kiểm định an toàn đập, PCTT đảm bảo an toàn đập, phòng-chống lũ lụt vùng hạ du đập, phương án bảo vệ đập. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các vùng thường xuyên bị sạt lở đất, bị ngập lụt, lũ ống, lũ quét, bị nước lũ cô lập để có phương án di dời dân khi cần thiết, đảm bảo tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Cùng với đó, các đơn vị cũng tiếp tục kiện toàn lực lượng kiêm nhiệm làm công tác cứu hộ, cứu nạn. Trung tá Nguyễn Mạnh Cường-Trợ lý Tác chiến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho hay: “Hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn và các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh đều có đội TKCN; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng có một đội cơ động TKCN với 60 đồng chí”. Công tác huấn luyện cứu hộ, cứu nạn cho các đối tượng cũng được tổ chức thường xuyên, trong đó chú trọng đến môn bơi và các kỹ năng cứu người khi có các tình huống thiên tai xảy ra. “Vào ngày 15 hàng tháng, các đơn vị trực thuộc sẽ tổ chức kiểm tra tình trạng kỹ thuật, vận hành của ca nô, máy đẩy để đảm bảo cơ động, nhanh chóng, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống”-Trung tá Cường cho biết.

Cũng theo Trung tá Cường, từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cử cán bộ tham gia đào tạo thợ lái ca nô, xuồng máy nội thủy do Quân khu 5 tổ chức và tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng hệ thống kế hoạch PCTT-TKCN, phòng-chống cháy nổ và kế hoạch ứng phó với bão mạnh, siêu bão cho 38 đồng chí. Ngoài ra các đơn vị còn tổ chức lực lượng giúp nhân dân 72 ngày công để chằng chống, lợp lại nhà tốc mái; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng tránh, ứng phó với thiên tai, thảm họa.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm