Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai: Anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Gia Lai đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Ngày nay, LLVT tỉnh tiếp tục thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, chung tay giúp đỡ Nhân dân, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp về người lính Cụ Hồ.
Trưởng thành trong kháng chiến
Cách đây 76 năm, ngày 7-11-1945, LLVT tỉnh được thành lập lấy tên là Chi đội Tây Sơn. Chi đội gồm các đơn vị vũ trang tập trung được xây dựng sau ngày khởi nghĩa ở An Khê, Pleiku, Kon Tum mà nòng cốt là các đội viên du kích Ba Tơ, một bộ phận của Chi đội Phan Đình Phùng (tỉnh Bình Định) và các trung đội Nam tiến của 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình tăng cường cho Gia Lai.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, sát cánh cùng với bộ đội chủ lực Khu 5, LLVT tỉnh đã thể hiện được tinh thần kiên cường, bất khuất. Các đơn vị đã sáng tạo, chủ động đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc, kết hợp vũ khí thô sơ, tự tạo với trang bị mới, tận dụng địa vật, địa hình rừng núi hiểm trở, giành nhiều thắng lợi lớn như: chiến thắng An Khê (1950), Ka Nak-Tú Thủy (1953), Đak Pơ (1954)… Lực lượng vũ trang tỉnh vừa đánh địch, vừa sát cánh cùng Nhân dân xây dựng làng, xã chiến đấu, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân toàn diện, rộng khắp ở địa phương. Lực lượng vũ trang tỉnh đã góp phần làm nên những kỳ tích của chiến tranh nhân dân với các làng, xã chiến đấu điển hình, kiểu mẫu như xã Ya Hội (huyện Đak Pơ), làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang).
Tháng 11-1959, Khu ủy Khu 5 thành lập Ban Quân sự tỉnh do đồng chí Võ Trung Thành-Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Kpă Thìn làm Phó Trưởng ban phụ trách quân sự. Tiếp đến, ngày 10-3-1960, tại khu căn cứ của tỉnh ở huyện Kbang, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh do đồng chí Kpă Thìn làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Lê Hoàn-Thường vụ Tỉnh ủy làm Chính trị viên. Đây là giai đoạn đánh dấu bước trưởng thành về lực lượng cũng như tổ chức của LLVT tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đánh địch, bảo vệ căn cứ, bảo vệ Đảng, chính quyền và Nhân dân; đồng thời, làm chỗ dựa vững chắc cho phong trào đấu tranh chính trị quần chúng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương phát triển.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 50 (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) thi đua huấn luyện. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 50 (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) thi đua huấn luyện. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Với phương châm “Chủ động tiến công”, LLVT tỉnh ngày càng trưởng thành qua những trận đánh xuất sắc như: đánh cứ điểm Ka Nak, Thanh An, Lệ Thanh, Phú Nhơn vào năm 1960. Từ năm 1969 đến 1974, LLVT tỉnh đã phối hợp với Mặt trận Tây Nguyên mở các đợt tiến công trên diện rộng, tổ chức hàng trăm trận đánh, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.900 tên địch; giải phóng 10 khu dồn dân và 21 ấp chiến lược trên địa bàn tỉnh. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mũi nhọn tiến công của Đại đội 70 (Tiểu đoàn Đặc công 408) cùng một số bộ phận dân chính của thị xã Pleiku tiến công tiêu diệt địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Gia Lai vào trưa 17-3-1975.
Chung tay vì sự phát triển của địa phương
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của LLVT tỉnh là nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng thường trực; là đơn vị nòng cốt, xung kích, thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương; xử lý kịp thời các tình huống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, LLVT tỉnh tập trung làm tốt chức năng đội quân công tác, giúp đỡ địa phương phát triển kinh tế-xã hội.
Với chức năng là đội quân công tác, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã có mặt khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh để làm công tác dân vận, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế và tham gia cứu hộ, cứu nạn. Hiện nay, 23/23 đầu mối đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kết nghĩa với 39 cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và các trường học. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hơn 6 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức làm tốt công tác dân vận, xây dựng làng nông thôn mới. Các đơn vị đã sửa chữa hơn 100 km đường giao thông, nạo vét hơn 50 km kênh mương, di dời hàng trăm ngôi nhà, kho thóc để giúp xây dựng làng nông thôn mới... Ngoài ra, triển khai thực hiện tốt chủ trương xóa hộ đói, giảm hộ nghèo của Quân khu 5, LLVT tỉnh nhận giúp 98 hộ và đến nay đã có 63 hộ thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, LLVT tỉnh đã huy động hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác phòng-chống dịch tại 83 điểm, chốt trên biên giới, nội địa, 59 điểm cách ly và 4 khách sạn. Ngoài ra, các đơn vị thường xuyên tổ chức phun khử khuẩn, phối hợp với các lực lượng chức năng truy vết, khoanh vùng để phòng-chống dịch.
Đánh giá về những đóng góp của LLVT tỉnh trong việc giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới, đồng chí Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy-khẳng định: Thời gian qua, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã tham gia giúp đỡ các địa phương sửa chữa nhà ở, đường giao thông, di chuyển nhà... Những việc làm ấy đã góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo nên diện mạo mới ở nông thôn và nâng cao đời sống của người dân.
VĨNH HOÀNG - HUY BẮC

Có thể bạn quan tâm