(GLO)- Các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn phát huy truyền thống anh hùng, thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Bên cạnh đó, các đơn vị còn làm tốt công tác dân vận, phòng-chống dịch Covid-19, cứu hộ, cứu nạn, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và người dân trong tỉnh.
Luyện quân giữa mùa dịch
Tuy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Quân đoàn 3 đã khắc phục mọi khó khăn để tổ chức huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn-Tư lệnh Quân đoàn-thông tin: “Để làm tốt công tác huấn luyện, chúng tôi thực hiện các chủ trương: “Đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ”, “3 mẫu mực”, “3 dứt điểm” với phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện được nâng cao. Kết quả huấn luyện các đối tượng 100% đạt yêu cầu, trong đó có 83% khá, giỏi (42% giỏi); huấn luyện chiến sĩ mới đạt 80,4% khá, giỏi; huấn luyện cán bộ, nhân viên chuyên môn đạt kết quả khá, bảo đảm an toàn”.
Quân đoàn 3 thường xuyên tổ chức diễn tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Tại Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 (Quân đoàn 3), các phong trào thi đua chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và chào xuân mới được phát động. Thượng tá Nguyễn Đức Chung-Chính ủy Lữ đoàn-cho biết: Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng-chống dịch ở các cấp độ. Là đơn vị tăng thiết giáp trong đội hình Quân đoàn 3 có hỏa lực mạnh, khả năng cơ động nhanh, trực tiếp chiến đấu và chi viện cho các đơn vị khác tấn công tiêu diệt địch nên công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu luôn được chú trọng. “Hàng năm, căn cứ vào các chỉ lệnh, mệnh lệnh của cấp trên, chúng tôi tổ chức huấn luyện cho bộ đội nhận biết âm mưu, thủ đoạn của địch, sử dụng thành thạo các loại vũ khí có trong biên chế. Đồng thời, đơn vị tập trung huấn luyện sát với điều kiện tác chiến trên chiến trường Tây Nguyên, tăng cường huấn luyện cơ động ban đêm; biết cách phòng tránh, đánh trả và nghi binh, đánh lừa địch. Nhờ đó, năm nay, 100% nội dung huấn luyện đều đạt yêu cầu, trong đó có nhiều nội dung đạt khá, giỏi”-Thượng tá Chung nêu chi tiết.
Không chỉ Quân đoàn 3 mà các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh cũng đã hoàn thành tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Thiếu tá Mai Văn Hùng-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 50 (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cho hay: “Chúng tôi luôn xác định huấn luyện giỏi sẽ giúp bộ đội xử lý nhanh các tình huống phát sinh trên địa bàn. Ngoài ra, Tiểu đoàn còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác để bảo đảm an ninh trật tự, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn biên giới”.
“Ở đâu dân cần, nơi ấy có chúng tôi”!
Thời gian qua, lực lượng vũ trang tỉnh và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chức năng đội quân công tác với những việc làm cụ thể, hiệu quả. Đặc biệt, các đơn vị đã phối hợp, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng-chống đại dịch Covid-19… Qua đó, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới luôn tỏa sáng, tạo được lòng tin đối với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương.
Lực lượng vũ trang huyện Ia Pa giúp người dân xã Pờ Tó làm lúa nước. Ảnh: Anh Huy |
Binh đoàn 15 thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới. Trong những năm qua, Binh đoàn đã triển khai hiệu quả phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Thượng tá Khuất Bá Cao-Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15-khái quát: “Chỉ tính riêng năm 2021, Binh đoàn đã huy động hơn 5.000 ngày công giúp người dân phát triển sản xuất. Đơn vị đã giúp dân trồng 46,3 ha lúa, dứa; hỗ trợ cây giống, phân bón trị giá 879,4 triệu đồng, hỗ trợ 79,3 tấn lúa, gạo và các nhu yếu phẩm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, “Hũ gạo gắn kết” của các đơn vị đã tiết kiệm được 4.319 kg gạo hỗ trợ cho 425 gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, đơn vị đã xây tặng 16 căn nhà với tổng trị giá hơn 1,1 tỷ đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; quyên góp ủng hộ người dân gần 8.000 bộ quần áo, chăn màn và nhiều vật dụng sinh hoạt thiết yếu giá trị 232,7 triệu đồng; phát quang 3,5 km đường, tu sửa, làm mới 29,4 km đường giao thông trị giá hơn 5 tỷ đồng; xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt 1,9 tỷ đồng”.
Hình ảnh những người lính Cụ Hồ đã trở nên quen thuộc, gần gũi với người dân, bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào khi người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương cần là nơi đó có các anh. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 là minh chứng rõ nhất cho tinh thần đó. Toàn tỉnh đã thiết lập 84 khu cách ly do cơ quan quân sự quản lý, tiếp nhận cách ly 44.820 công dân. Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức lực lượng tham gia 131 điểm chốt với hơn 368 cán bộ, chiến sĩ.
Tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19, Quân đoàn 3 đã huy động cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện tổ chức phun khử khuẩn tại 23 điểm trên địa bàn huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa, Cảng Hàng không Pleiku, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các phường: Hoa Lư, Thắng Lợi, Phù Đổng (TP. Pleiku), các khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến với hơn 40.000 lít dung dịch sát khuẩn. Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh-Chính ủy Quân đoàn 3-cho biết: “Ngoài nhiệm vụ phòng-chống dịch, chúng tôi còn phân công 8 cơ quan, đơn vị đảm nhiệm công tác dân vận tại 17 xã, 2 phường trên địa bàn 7 huyện và TP. Pleiku. Theo đó, các đơn vị đã huy động 4.246 ngày công cùng 2 máy múc giúp các địa phương tu sửa, làm mới 3,7 km kênh mương nội đồng, 5,5 km đường giao thông nông thôn; xây mới 14 nhà “Đại đoàn kết”.
Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-khẳng định: “Trong cuộc chiến chống dịch hay tham gia cứu hộ, cứu nạn thì các đơn vị lực lượng vũ trang luôn có mặt nơi tuyến đầu. Chúng tôi xác định giúp dân là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người lính bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Thời gian qua, bên cạnh thành lập, quản lý các khu cách ly, thực hiện nhiệm vụ tại các chốt, tổ chức truy vết, phục vụ hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều 192 lượt cán bộ, chiến sĩ lên biên giới cùng tham gia với Bộ đội Biên phòng để quản lý, bảo vệ biên giới và phòng-chống dịch. Chúng tôi luôn quán triệt ở đâu dân cần nơi ấy sẽ có lực lượng vũ trang giúp đỡ”.
|
VĨNH HOÀNG