Du lịch

Lung linh đêm Rằm phố Hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cách thành phố đáng sống Đà Nẵng tầm 30 km về phía Nam, trên trục đường di sản miền Trung, là đô thị cổ Hội An. Nơi này xưa kia vốn là một thương cảng sầm uất, tấp nập thuyền bè buôn bán, trao đổi hàng hóa. Hội An được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999 bởi lối kiến trúc độc đáo của một cảng thị sầm uất, nơi giao thoa giữa các nền văn hóa song lại mang trong mình bề dày trầm tích.

Điều này đã hình thành cho người dân ở đây lối ứng xử đặc trưng, đó là sự giản dị trong cách sống nhưng vẫn mạnh mẽ để hội nhập. Những vẻ đẹp riêng có ấy đã biến Hội An trở thành một trong những điểm du lịch hút khách quốc tế nhất nước ta hiện nay.

 

Thả đèn hoa đăng trong đêm Rằm ở Hội An. Ảnh: T.N.Đ
Thả đèn hoa đăng trong đêm Rằm ở Hội An. Ảnh: T.N.Đ

Đã được bạn bè mách nước rằng “phải đi Hội An vào buổi đêm, mà là đêm Rằm thì tuyệt hơn”, vậy là tôi đến Hội An thêm lần nữa, nhân dịp Rằm tháng Giêng. Một tối ngủ trên xe khách từ Pleiku đi Đà Nẵng, rồi từ đây đón thêm 1 chuyến xe buýt là bạn đã tới Hội An. Rằm tháng Giêng, vầng trăng tròn vạnh báo hiệu một năm tròn trịa, đủ đầy. Cảm giác đầu tiên ập vào mắt du khách là biển người nườm nượp, ắt hẳn ai cũng muốn đến đây để xem đêm Rằm ở phố cổ Hội An là như thế nào.

Trên ban công nhà cổ, trên cành cây và dọc đường phố, những chiếc đèn lồng đỏ treo cao tạo ra một bầu trời đầy ánh sáng mê hoặc, thứ ánh sáng chỉ có ở đèn lồng, mang lại cảm giác ấm áp lan tỏa. Hội An nhuốm một màu huyền bí. Từng dãy phố chật hẹp sin sít nhau vì người người chen lấn. Những tầng sáng lúc phân cách, khi hòa lẫn, đan xen, hòa quyện; trăng, đèn lồng, flash điện thoại máy ảnh, ánh sáng của những đôi mắt tò mò, kinh ngạc cũng đan lẫn vào nhau. Dòng sông Thu Bồn cũng lấp lánh, bàng bạc nhờ được điểm tô bởi ánh sáng từ những chiếc hoa đăng. Nhiều du khách đã tò mò trải nghiệm dịch vụ lên thuyền thả hoa đăng trôi theo dòng sông cùng những lời nguyện ước. Tôi cùng với cô bạn đồng nghiệp, sau khi được mặc áo phao và tặng 2 chiếc đèn hoa đăng, đã được người chèo thuyền chở ngược lên phía trên khoảng mười lăm phút với giá 100.000 đồng. Gió từ biển thổi mát rười rượi. Mỗi người cảm thấy thêm thư thái sau khi đã thì thầm nói lên điều mình mong ước rồi thả cho chiếc hoa đăng trôi xuôi lững lờ theo dòng nước.

Tôi đã đến Hội An một lần vào ban ngày, đến chợ Hội An ăn một tô cao lầu, ăn thêm món xí mà phủ (chè mè đen) rồi cuốc bộ qua chùa Cầu thăm thú từng ngóc ngách của những con phố ngoằn ngoèo được sơn màu vàng đặc trưng. Giờ đây tôi mới thấy, phố ban ngày đã đẹp rồi nhưng ban đêm thì càng tuyệt diệu.

Hội An giờ làm du lịch chuyên nghiệp hơn, gần những con phố cổ có thêm làng bích họa Tam Thanh, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu… làm cho Hội An càng trở thành một cô gái năng động, quyến rũ. Có lẽ nhờ ý thức bảo tồn và hội nhập năng động của Hội An nên du khách quốc tế đến đây ngày càng nhiều, và mỗi người dân chất phác ở đây lại trở thành một “đại sứ du lịch” truyền đi thông điệp mạnh mẽ để hút khách. Tôi vẫn nhớ trên chuyến bay nọ, khi ngồi cạnh 2 du khách quốc tế, họ có nói với tôi rằng họ đã đến Hội An vì ở đây có cụ bà cười rất đẹp mà họ thấy trên tạp chí quốc tế, dù bà đã lấy tay che đi nụ cười ấy nhưng bức ảnh vẫn toát lên vẻ đẹp hồn hậu…

Lần này đến Hội An, với tôi, lại là một lần hoàn toàn mới. Hóa ra, để hiểu một vùng đất có lịch sử hàng trăm năm là không hề dễ dàng, nhất là khi ta đi với tâm thế du lịch. Khi nghe tôi nói về vẻ đẹp của đêm trăng Rằm Hội An với đèn lồng đỏ treo cao huyền bí, 2 vị du khách ấy hỏi tôi về Rằm, về đèn lồng; lúc ấy tôi nói đại khái đó là ngày trăng tròn, có đèn lồng và thả hoa đăng. Nhưng nếu bây giờ gặp lại, tôi sẽ kể cho họ nghe những điều huyền diệu của đêm Rằm Hội An. Và với bạn bè, tôi sẽ không quên khuyến mãi thêm 1 câu: “Xách ba lô lên, Rằm tới đi đi, nhanh, còn kịp…”.

Tạ Ngọc Điệp

Có thể bạn quan tâm