Xã hội

"Lung linh hai tiếng gia đình"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ ý nghĩa yêu thương, nâng đỡ và hòa hợp, gia đình đã trở thành hai tiếng thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần to lớn đối với mỗi người. Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) vì thế cũng là ngày mà ai nấy đều hướng về bằng những tình cảm ấm áp nhất. 
1. Mỗi đứa trẻ đều tìm kiếm ở gia đình tình yêu thương vô điều kiện của mẹ cha. Nhưng riêng với những trẻ gặp các vấn đề về phát triển, ngoài điều ấy thì các em còn cần phụ huynh nỗ lực gấp nhiều lần, kiên nhẫn gấp nhiều lần. Câu chuyện của chị Phạm Thị Phương (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là một ví dụ. 
Nhìn con trai chị là cháu Nguyễn Quốc Đạt (SN 2016) vui vẻ chơi ghép hình, không ai nghĩ đó là đứa trẻ cá biệt. Chị Phương rơm rớm nước mắt kể, cháu bị chậm nói do sang chấn tâm lý sau một sự cố chẳng ngờ. Đạt là con thứ 2 trong gia đình. Cả nhà sống dựa vào 1 ha cà phê và thu nhập từ việc phụ hồ của chồng chị là anh Nguyễn Thanh Hòa. Khi cháu Đạt mới 2 tuổi thì chị Phương mang thai đứa con thứ 3. Do mệt mỏi nên thời gian này chị ít quan tâm hoặc trò chuyện cùng con. Khi chị sắp sinh, chẳng may anh Hòa bị tai nạn gãy chân, đứt dây chằng. Chị đành đưa Đạt về quê mẹ ở Quảng Bình chờ sinh con. Lạ lẫm vì chưa bao giờ gặp ông bà ngoại nên cháu sợ hãi, hoảng sợ, cứ đòi về lại Gia Lai. Khi chị Phương sinh, 3 ngày mẹ ở bệnh viện là những ngày Đạt khóc không ngớt, không chịu ăn uống. 
Đáng nói là khi mẹ về, cháu không nhận mẹ, không cho mẹ bế bồng suốt 1 tháng trời. “Bản thân mình cũng sốc. Không ngờ tình hình lại đến mức đó. Thì ra con là đứa trẻ quá nhạy cảm”-chị Phương nhớ lại. Khi bố ra thăm, Đạt trở nên rất vui vẻ hoạt bát. Nhưng lúc bố về, cháu lại tiếp tục rơi vào suy sụp, không cho ai bồng bế. Đạt như tự giam mình trong thế giới riêng, ăn rất ít, gặp người lạ là hoảng loạn, khóc lóc. Chị Phương đỏ hoe mắt: “Con không còn là con nữa. Ngang bướng, thường gắt gỏng, tiểu tiện không tự chủ, đến gần 4 tuổi chỉ nói được 1 từ “mẹ”. 
Nhờ tình yêu thương vô hạn và sự kiên trì của cha mẹ, cháu Nguyễn Quốc Đạt đã có nhiều tiến bộ trong quá trình điều trị chứng chậm nói do sang chấn tâm lý. Ảnh: Phương Duyên
Nhờ tình yêu thương và sự kiên trì của cha mẹ, cháu Nguyễn Quốc Đạt đã có nhiều tiến bộ trong quá trình điều trị chứng chậm nói do sang chấn tâm lý. Ảnh: Phương Duyên
Quá đau lòng trước tình trạng bất thường của con, dù nghèo khó, anh chị vẫn cố chạy vạy đưa con đi khám-chữa bệnh khắp trong Nam ngoài Bắc. Chỉ đến khi may mắn biết đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Nụ cười Pleiku-Gia Lai (hẻm 113 Tô Vĩnh Diện), họ mới an lòng. Tại đây, anh chị vỡ ra lý do con chậm nói là do gặp khó khăn trong thiết lập mối quan hệ tương tác, giao tiếp với người khác. Mong muốn tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối, cháu thu mình vào “vỏ ốc” của riêng mình. 
Khoảng nửa tháng đầu, do Đạt không hợp tác với người lạ, cha mẹ phải ngồi học cùng, sau đó mới rút dần. Qua 10 tháng điều trị, cháu đã có những thay đổi tích cực như: thích đến trung tâm, nói được nhiều câu hoàn chỉnh, gặp người lạ không còn hoảng sợ. Ngoài giờ điều trị, gia đình luôn ý thức tăng cường giao tiếp với con, từng chút từng chút một mở cánh cửa đang khép chặt. “Bây giờ, gặp ai tôi cũng chia sẻ bài học: Cha mẹ hãy dành thời gian cho con, quan tâm để thấu hiểu con”-chị Phương nói.
2. Vẫn hòa hợp sau bao năm chung sống, cùng chia sẻ đam mê với thể thao, vợ chồng ông Hà Quân-bà Nguyễn Thị Hình (92A Lạc Long Quân, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) trở thành một hình mẫu gia đình được nhiều người ngưỡng mộ. 
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Quân (64 tuổi) vui vẻ cho hay vợ chồng ông nguyên là cán bộ Quân đoàn 3 và đều trưởng thành từ phong trào bóng bàn. Sau khi nghỉ hưu, ông được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku, còn bà (53 tuổi) làm hợp đồng tại một công ty tư nhân. Yêu thích môn bóng bàn từ khi còn học phổ thông, ông truyền cho vợ niềm đam mê này để rồi cả hai trở thành “cặp đôi hoàn hảo” trong làng bóng bàn Phố núi. Họ chính thức thi đấu Giải Cầu lông, bóng bàn toàn quốc từ năm 2016; đến nay “gặt hái” được 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. Tính cả thành tích mang về từ giải của các câu lạc bộ, giải cấp tỉnh, thành phố, họ sở hữu tổng cộng khoảng 80 cúp, huy chương các loại. 
Vợ chồng ông Hà Quân-bà Nguyễn Thị Hình luôn tìm được sự hòa hợp nhờ có cùng đam mê thể thao. Ảnh: Phương Duyên
Vợ chồng ông bà Hà Quân-Nguyễn Thị Hình luôn tìm được sự hòa hợp nhờ có cùng đam mê thể thao. Ảnh: Phương Duyên
“Chúng tôi chọn bóng bàn vì đây là môn chơi trong nhà, không phụ thuộc vào thời tiết nên dễ tập luyện. Môn này yêu cầu phải nhanh mắt, nhanh tay, có đấu pháp hợp lý”-ông Quân cho biết. Là vợ chồng nên ông bà rất thuận lợi trong trao đổi kinh nghiệm thi đấu. Do vậy, khi vào trận, chỉ cần nhìn mắt và động tác là bà Hình biết ngay chồng đánh quả xuống hay lên, ngang hay dọc để phối hợp ứng phó. Ông Quân hóm hỉnh cho hay, cũng lắm khi “trò” cãi “thầy” nhưng khi thi đấu thì rất đoàn kết, dù có đánh hỏng thì vẫn động viên nhau nỗ lực. 
“Bật mí” về bí quyết giữ lửa gia đình, bà Hình kể, ngoài đồng điệu về sở thích, ông bà còn hợp gu văn hóa vùng miền (bà quê Hà Nội, ông lớn lên ở Thanh Hóa). Trong cuộc sống thường ngày, ông không ngại chia sẻ việc nhà cùng vợ. “Cuộc sống gia đình không tránh khỏi lúc này lúc khác, nhưng nếu biết nhường nhịn, đồng cảm, chia sẻ với nhau thì sẽ êm thấm. Còn khi thi đấu, chúng tôi cùng mang ý chí người lính và đều hết lòng vì tinh thần tập thể”-bà Hình tươi cười. Đó là nguyên nhân biến họ thành một cặp đấu đáng gờm trên sân bóng bàn cũng như tìm được sự hòa hợp đáng ngưỡng mộ trong đời sống hôn nhân, tạo dựng một gia đình ấm áp, đầy tiếng cười cho các con, cháu.      
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm