Xã hội

Lao động - Việc làm

Lương cơ sở tăng: Bệnh viện tự chủ tài chính chịu nhiều áp lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 1-7-2024, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đây là niềm vui với người lao động nhưng lại là áp lực đối với các bệnh viện tự chủ tài chính bởi khi lương cơ sở tăng nhưng giá dịch vụ khám-chữa bệnh chưa được điều chỉnh.

Khó chồng khó

Trước ngày 1-7-2024, khi mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng, mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chi gần 7 tỷ đồng cho các khoản: lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội… Từ ngày 1-7, lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng thì số tiền bệnh viện này phải chi trả sẽ tăng cao.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-thông tin: Do Bệnh viện đang thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2 (tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên 100%) nên việc tăng lương cơ sở đồng nghĩa các khoản chi sẽ tăng mạnh. Hiện tại, Bệnh viện chi lương và các khoản theo lương hàng tháng cho 890 cán bộ, nhân viên lên đến hơn 6,9 tỷ đồng. Nếu theo mức lương mới thì khoản chi lên tới gần 8,9 tỷ đồng.

Từ ngày 1-7, các bệnh viện tự chủ tài chính chịu nhiều áp lực, thách thức khi lương cơ sở tăng 30%, trong khi giá dịch vụ khám-chữa bệnh chưa được điều chỉnh. Ảnh: N.N

Từ ngày 1-7, các bệnh viện tự chủ tài chính chịu nhiều áp lực, thách thức khi lương cơ sở tăng 30%, trong khi giá dịch vụ khám-chữa bệnh chưa được điều chỉnh. Ảnh: N.N

“Theo quy định, đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính phải tự bảo đảm nguồn để thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Điều đó đang gây áp lực tài chính rất lớn, đặc biệt là khi nguồn thu giảm do tình hình kinh tế khó khăn, khung giá viện phí chưa tăng theo cải cách tiền lương.

Bệnh viện tự chủ tài chính cũng đồng nghĩa phải tự chủ trong việc quản lý nguồn lực tài chính. Việc này đòi hỏi kiến thức chuyên môn và kỹ năng quản lý/quản trị cao và cũng là thách thức lớn cho Bệnh viện”-bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

Cùng thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2, Bệnh viện Nhi tỉnh cũng trong tình cảnh tương tự. Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Hữu Chiến-Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-cho biết: “Từ ngày 1-7-2024, mức lương cơ sở tăng trong khi giá dịch vụ khám-chữa bệnh chưa tăng khiến nguồn thu của đơn vị không thể đảm bảo để trả lương, phụ cấp, các khoản chi phí hoạt động. Bệnh viện đang chi trả tiền lương, phụ cấp cho 284 viên chức, người lao động với tổng số tiền gần 2,55 tỷ đồng/tháng. Từ ngày 1-7, đơn vị phải chi trả hàng tháng trên 3,3 tỷ đồng”.

Còn bác sĩ chuyên khoa II Vũ Trọng Dũng-Phó Giám đốc Bệnh viện 331-cho biết: Bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ toàn bộ chi thường xuyên (nhóm 2) từ năm 2019. Từ ngày 1-7-2024, Chính phủ thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, trong khi đó, mức giá dịch vụ khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) chưa tăng thì chắc chắn nguồn thu của Bệnh viện sẽ không đảm bảo chi thường xuyên. Vì vậy, Bệnh viện rất cần sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền.

Cần sớm điều chỉnh giá dịch vụ khám-chữa bệnh

Ngành Y tế tỉnh triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính từ năm 2019. Giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh có 4 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động chi thường xuyên; 21 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 2 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động chi thường xuyên.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ năm 2022, toàn tỉnh có 27 đơn vị được giao quyền tự chủ tài chính, trong đó, 5 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2), 20 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3) và 2 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 4).

Từ ngày 1-7, các bệnh viện tự chủ tài chính chịu nhiều áp lực, thách thức khi lương cơ sở tăng 30%, trong khi giá dịch vụ khám-chữa bệnh chưa được điều chỉnh. Ảnh: N.N

Từ ngày 1-7, các bệnh viện tự chủ tài chính chịu nhiều áp lực, thách thức khi lương cơ sở tăng 30%, trong khi giá dịch vụ khám-chữa bệnh chưa được điều chỉnh. Ảnh: N.N

Theo lãnh đạo các bệnh viện, hiện nay, mức thu viện phí chưa tính đúng, tính đủ các chi phí. Viện phí ở cơ sở y tế công hiện mới tính 4/7 yếu tố, chưa có 3 phần gồm: khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản; chi phí quản lý; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học nên gây khó khăn cho các đơn vị. Thêm vào đó, khi lương cơ sở tăng nhưng giá dịch vụ khám-chữa bệnh chưa được điều chỉnh thì các bệnh viện tự chủ tài chính càng thêm áp lực, thách thức.

Giải pháp hàng đầu để giải quyết thách thức trên là điều chỉnh giá dịch vụ khám-chữa bệnh cho phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, nhiều cán bộ đề nghị HĐND tỉnh sớm quy định giá cụ thể dịch vụ khám-chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh phù hợp với tình hình mới.

Vừa qua, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì xây dựng các nội dung liên quan dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định giá dịch vụ khám-chữa bệnh không thanh toán BHYT nhưng không phải là khám-chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám-chữa bệnh của Nhà nước do tỉnh Gia Lai quản lý để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hiện giá dịch vụ khám-chữa bệnh BHYT thực hiện theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17-11-2023 của Bộ Y tế mới cơ cấu chi phí tiền lương trong giá dịch vụ theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng; giá dịch vụ khám-chữa bệnh cho đối tượng không có thẻ BHYT thực hiện theo Nghị quyết số 118/2019/NQ-HĐND ngày 11-12-2019 của HĐND tỉnh mới cơ cấu tiền lương theo mức 1,49 triệu đồng/tháng.

Nhiều nhà quản lý y tế trong tỉnh đề nghị HĐND tỉnh sớm quy định giá cụ thể dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh phù hợp với tình hình mới. Ảnh: Như Nguyện

Nhiều nhà quản lý y tế trong tỉnh đề nghị HĐND tỉnh sớm quy định giá cụ thể dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh phù hợp với tình hình mới. Ảnh: Như Nguyện

Ngày 25-6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo nghị quyết nêu trên. Theo ông Nguyễn Văn Mau-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh hiện đạt 91,61% dân số. Để công bằng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe giữa người tham gia BHYT và người không tham gia BHYT, từ điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, khi thực hiện chủ trương tự chủ về tài chính đối với các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng mức giá viện phí phù hợp quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế về quy định giá khám-chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả, cộng thêm tỷ lệ khoảng 2-3% là phù hợp.

Có thể bạn quan tâm