Xã hội

Lương tối thiểu tăng 6% từ ngày 1.7

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sáng nay 12.6, Chính phủ đã ký Nghị định tăng lương tối thiểu cho người lao động thêm 6% (mức tăng tương ứng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng ) từ 1.7.2022.

Đây là tin vui trước giờ diễn ra buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ đối với công nhân lao động tại tỉnh Bắc Giang.

 

Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu từ 1.7.2022 - Ảnh: T.Hằng
Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu từ 1.7.2022 - Ảnh: T.Hằng


Nghị định này quy định mức lương tối thiểu (LTT) tháng và mức LTT giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Cụ thể, mức LTT tháng được điều chỉnh tăng 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng), chia theo 4 vùng.

Vùng I tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng.

Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng.

Vùng IV, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,250 triệu đồng/tháng.

Mức điều chỉnh LTT nêu trên gồm tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (tính đến hết năm 2023) và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.

Đối với mức LTT theo giờ, cũng chia tương ứng theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Đây là loại hình LTT được quy định mới nhằm triển khai quy định của bộ luật Lao động năm 2019. Các mức LTT giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức LTT và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của bộ luật Lao động. Việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở VN, khi lần đầu tiên quy định mức LTT giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Nghị định cũng nêu rõ mức LTT tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Mức LTT giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức LTT tháng hoặc mức LTT giờ. Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1.7.2022.

Trước đó, theo Tờ trình của Bộ LĐ-TB-XH về đề xuất tăng LTT, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu thực hiện từ ngày 1.7.2022 là rất cần thiết. Điều này thể hiện sự quan tâm sát sao, kịp thời của Nhà nước tới việc chăm lo đời sống của người lao động, nhất là sau hơn 2 năm bị tác động lớn từ đại dịch Covid-19. Mức điều chỉnh bảo đảm bù đắp và có cải thiện hơn một chút so với mức sống tối thiểu của người lao động.

Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu từ 1.7.2022 sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, nhất là trong bối cảnh giá cả đang có xu hướng tăng cao và sẽ góp phần tích cực duy trì sự ổn định quan hệ lao động trong các doanh nghiệp.

Đúng 9 giờ 15 phút sáng nay, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang đã diễn ra buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành khác.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã nhận được hơn 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân cả nước gửi Thủ tướng. Có 10 nhóm vấn đề được công nhân lao động quan tâm nhất sẽ được chuyển tới Thủ tướng, gồm: tăng LTT vùng; sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng tạo được niềm tin lâu dài cho người lao động; đôn đốc, giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mắc Covid-19, chế độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân... Bên cạnh đó là các vấn đề bức thiết của người lao động như: nhà ở, trường học cho con em công nhân, thiết chế công đoàn; chính sách tín dụng riêng cho công nhân; đào tạo nghề…

Đáng chú ý, vấn đề tăng lương LTT được nhiều lao động quan tâm nhất, chiếm 36% trong số câu hỏi được gửi đến Thủ tướng.

Theo Thu Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm