Sức khỏe

Lưu ý khi điều trị viêm kết mạc có giả mạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chị Trần Tú Uyên (tổ 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: Con chị mới 4 tháng tuổi bị lây bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) từ mẹ. Sau 1 tuần dùng thuốc do bác sĩ chỉ định và quay lại tái khám, bác sĩ cho biết mắt bé có màng giả mạc.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Uyên bức xúc: “Bác sĩ không trao đổi trước với gia đình mà cứ thế lấy bông tăm lấy lớp giả mạc ra. Sau khi lấy lớp màng ở mí trên và mí dưới xong, bác sĩ lại dùng bông tăm đưa vào tròng đen mắt bé khiến mắt con mình bị tổn thương. Bên cạnh đó, khi lấy màng giả mạc xong, mắt bé chảy máu mà bác sĩ không hề băng lại, làm việc hết sức cẩu thả. Sau đó, 2 mắt bé mở ra khó khăn, chảy nước mắt và sưng đỏ. Tôi không hiểu việc điều trị cho con tôi như trên là có đúng quy trình hay không?”.

Về thắc mắc trên, Th.s-BS Phạm Thanh Dũng-Trưởng khoa Mắt (Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh) cho biết: “Viêm kết mạc cấp hay còn gọi là đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Bệnh thường ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, cũng có trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh”.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do vi rút Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ là mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ 2, cảm thấy khó chịu ở mắt, cộm như có cát, mắt nhiều ghèn, buổi sáng ngủ dậy 2 mắt khó mở do nhiều ghèn dính chặt; mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ, đau nhức, chảy nước mắt…

Theo Th.s Dũng, một số trường hợp nặng gây ra viêm kết mạc có giả mạc. Giả mạc là màng viêm màu trắng đục, bám vào mặt sau của mi mắt và chỉ nhìn thấy khi lật mi lên. Khi có giả mạc chứng tỏ sức đề kháng của mắt đã yếu, bệnh đang có chiều hướng nặng thêm và độc tính của vi rút cao. Giả mạc gây chảy máu, khiến mắt sưng nhiều... Bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn nhiều nếu giả mạc không được bóc đi. Do vậy cần có sự can thiệp của bác sĩ giúp bóc bỏ lớp màng giả mạc. Nhiều trường hợp phải 3 lần bóc bỏ lớp màng giả mạc thì bệnh mới lành.

“Khi lấy giả mạc có thể gây chảy máu. Chính vì vậy, bác sĩ điều trị cần giải thích rõ cho người nhà bệnh nhân để họ giảm bớt những lo lắng không đáng có. Với trẻ em chưa biết nói khi mắc bệnh thì càng khiến gia đình lo lắng gấp bội. Vì vậy khi các cháu có vấn đề về sức khỏe các gia đình cần nhanh chóng cho bé đến khám chuyên khoa, tuyệt đối không nên tự ý mua và dùng thuốc bừa bãi…”-Th.s Dũng cho biết.

Th.s Dũng cũng khuyến cáo: “Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; không dùng chung khăn, gối, chậu rửa mặt… của người bệnh; không dùng tay dụi mắt, có thể vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt... Trẻ em khi bị đau mắt đỏ nên nghỉ học để tránh lây cho các trẻ khác”.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm