Với tôn chỉ "xem bệnh viện là nhà, bệnh nhân như người thân," những năm qua, các nhân viên y tế Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, Bệnh viện C Đà Nẵng luôn nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn trong công tác chuyên môn, tận tình chăm sóc người bệnh. Nhờ đó, đơn vị đã trở thành địa chỉ tin cậy của bệnh nhân khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Gần 10 năm xây dựng phát triển
Tách ra từ Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện C Đà Nẵng) năm 2016, lúc mới thành lập, Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu chỉ có 8 nhân viên, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn.
Sau quá trình đầu tư xây dựng, đến nay, đơn vị đã có 15 nhân viên y tế (trong đó có 3 bác sĩ, 11 điều dưỡng và 1 hộ lý); trang thiết bị được đầu tư hiện đại với 2 hệ thống xử lý R.O và 30 máy chạy thận nhân tạo thế hệ mới của hãng Nipro, Fresenius, B. Braun đang hoạt động. Ngoài ra còn có phòng chạy thận riêng cho bệnh nhân nhiễm viêm gan B, C.
Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, cho biết ngoài nhiệm vụ khám và điều trị ngoại trú cho tất cả bệnh nhân bị bệnh thận mạn và bệnh nhân người nước ngoài, đơn vị còn có chức năng lọc máu cấp cứu cho bệnh nhân bị tổn thương thận cấp, rối loạn nước điện giải, ngộ độc cấp, tăng Kali máu…
Hiện khoa đã triển khai các kỹ thuật mới như: lọc máu hấp phụ, đặt Catheter tĩnh mạch hầm có cuff… đồng thời, thực hiện nhiệm vụ đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cho các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên về chuyên ngành lọc máu theo Đề án 1816 cho các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, Bệnh viện miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, Bệnh viện Đặng Thùy Trâm (tỉnh Quảng Ngãi), Trung tâm y tế huyện Mộ Đức-Quảng Ngãi, Bệnh viện đa khoa Cư Kuin (Đắk Lắk)…
Bên cạnh đó, khoa cũng tiếp nhận và chạy thận nhân tạo hỗ trợ các bệnh viện gặp sự cố, hoặc quá tải.

Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Anh Tuấn nhớ lại: “Vào tháng 1/2019, Khoa được Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) yêu cầu hỗ trợ điều trị các bệnh nhân đang chạy thận. Nhận thông tin lúc 22 giờ, khoa đã huy động nhân viên y tế ngay trong đêm, thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, hỗ trợ kịp thời cho 4-5 bệnh nhân đang tiến triển nặng của bệnh viện bạn.
Với sự tận tâm, khoa đã hoàn thành việc hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân trong vòng 2 tuần. Sau khi chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đều tiến triển tốt."
Theo bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, để mở rộng và phát triển khoa, thời gian tới, đơn vị phấn đấu xây dựng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2025; định hướng triển khai các kỹ thuật về chuyên ngành sâu trong lọc máu như: Lọc máu liên tục (CRRT); thay huyết tương (TPE); lọc Triglycerid; lọc hấp phụ Bilirubin…
Lặng thầm chăm sóc người bệnh
Hơn 26 năm công tác, chị Trần Thị Hoa - điều dưỡng trưởng Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, Bệnh viện C Đà Nẵng - đã tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân nặng và thấu hiểu được nỗi đau của bệnh nhân cũng như của người nhà.
Trước mỗi lần chạy thận cho bệnh nhân, chị Hoa phải thực hiện tỉ mỉ theo từng quy trình cụ thể, như: kiểm tra chất lượng nước R.O và chuẩn bị máy lọc thận, đảm bảo các thiết bị hoạt động đúng cách; các vật dụng y tế như kim tiêm, dịch lọc thận, thuốc và các thiết bị hỗ trợ được chuẩn bị đầy đủ.
Trong suốt quá trình lọc máu, chị phải theo dõi máy lọc, tất cả chỉ số trong giới hạn an toàn; đồng thời, quan sát các dấu hiệu bất thường của bệnh nhân trong quá trình lọc máu như: mệt, vã mồ hôi, khó thở, huyết áp tụt, tình trạng bất thường của các đường mạch máu... để có hướng xử trí kịp thời.
Chị Hoa cho biết đây là những công việc hằng ngày của điều dưỡng Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu. Do đó, điều dưỡng cần kiên nhẫn, tỉ mỉ và khả năng làm việc dưới áp lực cao, thường xuyên cập nhật nâng cao kiến thức chuyên môn và nhanh nhạy xử lý các tình huống khẩn cấp.
"Chăm sóc bệnh nhân chạy thận lọc máu cũng giống như chăm sóc bệnh nhân cấp 1, người điều dưỡng phải luôn bên cạnh bệnh nhân và không được rời khỏi phòng. Bởi nếu xảy ra sự cố hoặc bệnh nhân diễn biến bất thường, không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sự an nguy của người bệnh," chị Hoa chia sẻ.
Chị Hoa chia sẻ: “Khi chọn lựa làm việc tại khoa, tôi đã “xem bệnh viện là nhà, bệnh nhân như người thân của mình." Vì vậy, nguyên tắc của tôi khi làm việc là phải chỉnh chu, cẩn thận, đảm bảo quy trình kỹ thuật, ân cần theo dõi bệnh nhân."

Theo bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, nhân viên y tế Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, Bệnh viện C Đà Nẵng thường “đi sớm về trễ." Ca một bắt đầu từ 7 giờ, kéo dài qua trưa; ca 3 thường kết thúc vào 21 giờ. Tuy vậy, nhân viên y tế còn ở lại vệ sinh máy móc trước khi tan ca.
Trong những trường hợp đột xuất, khoa phải huy động nhân viên vào giữa đêm. Bỏ qua mệt nhọc, mọi người luôn vui vẻ làm việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, thời gian COVID-19, Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu, Bệnh viện C Đà Nẵng là khoa tiếp nhận, thu dung bệnh nhân nặng. Toàn thể các nhân viên của khoa được huy động, tình nguyện ở lại trực tại bệnh viện 24/24 giờ.
Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn nhớ lại: “Trong giai đoạn cao điểm đó, khoa có 34 bệnh nhân điều trị cùng với người nhà phải cách ly tại bệnh viện. Ngoài vấn đề chuyên môn, chúng tôi phải thực hiện chăm sóc bệnh nhân tại chỗ, đáp ứng các nhu cầu cơ bản hằng ngày cho bệnh nhân như: ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh… và luôn an ủi, động viên giúp họ bớt hoang mang, lo lắng. Trong thời gian đó, lọc máu bệnh nhân phải tuân thủ sự phân luồng và đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m nên công việc của chúng tôi thường xuyên kết thúc vào 24 giờ, công suất phải tăng gấp đôi nhằm phục vụ tốt nhất cho các bệnh nhân. Đặc biệt, chúng tôi luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Tuy vậy, các y, bác sĩ luôn vững vàng tâm lý, yên tâm điều trị cho bệnh nhân."

Chạy thận mạn tại khoa, ông Nguyễn Ngọc Tấn Úc (Quảng Ngãi) chia sẻ: “Khi điều trị ở khoa, tôi có cảm giác như ở nhà. Ở đây, tôi được các y, bác sĩ chăm sóc rất chu đáo, ân cần hướng dẫn các quy định. Các điều dưỡng cũng thường nói chuyện, tâm sự giúp tôi vượt qua nỗi đau của bệnh tật."
Cùng chung suy nghĩ như ông Úc, chị Ngô Hoàng Quỳnh (Đà Nẵng) cho biết: “Các bác sỹ, điều dưỡng của bệnh viện rất nhiệt tình, có mặt mọi lúc khi bệnh nhân cần. Dù công việc rất áp lực, căng thẳng nhưng các y bác sĩ luôn vui vẻ, trò chuyện và thường xuyên động viên tôi."
Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng Nguyễn Trọng Thiện đánh giá: “Những năm qua, đội ngũ nhân viên y tế tại Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, với công suất hoạt động rất cao. Đặc biệt, khoa không chỉ làm việc với tinh thần nghiêm túc, hiệu quả mà còn là một tập thể đoàn kết, có tinh thần ham học hỏi, luôn sẵn sàng triển khai các kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, khoa cũng áp dụng thành công những phương pháp kỹ thuật tiên tiến, đóng góp không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Sự cố gắng và nỗ lực không ngừng của đội ngũ các y, bác sỹ Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu đã giúp bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần vào sự phát triển chung của ngành y tế."
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, Khoa Thận nhân tạo-Lọc máu vinh dự đạt Tổ Lao động xuất sắc nhiều năm liền. Năm 2023, khoa được Bộ Y tế tặng Bằng khen về thực hiện nhiệm vụ và công tác y tế xuất sắc từ năm 2022-2023.
Trong thời gian phòng, chống COVID-19, khoa có 5 cá nhân, tập thể được nhận Bằng khen của Bộ Y tế do có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống COVID-19.
Theo Võ Văn Dũng (TTXVN/Vietnam+)