Thực tế, có rất nhiều lý do khiến bạn dễ bị bầm tím chẳng hạn như do sự chấn thương dẫn đến vỡ các mạch máu dưới da, tuổi tác hoặc ánh nắng...
Phụ nữ dễ bị bầm tím hơn nam giới
Phụ nữ có xu hướng bị bầm tím hơn nam giới. Hormone estrogen đóng vai trò gây ra các vết bầm tím không rõ nguyên nhân. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng estrogen ngăn ngừa các thành mạch máu phát triển và hoạt động như một thuốc giãn mạch.
Tuổi tác
Khi bạn già đi, làn da mất lớp bảo vệ chất béo và việc sản xuất các protein cấu trúc collagen bị chậm lại. Điều đó khiến da mỏng và dễ bị tổn thương dẫn đến bầm tím.
Thuốc làm loãng máu
Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu để điều trị rối loạn nhịp tim hoặc cục máu đông, đó là một lời giải thích về vết bầm không rõ nguyên nhân.
Bệnh xuất huyết dưới da
Xuất huyết dưới da là tình trạng về mạch máu (vốn phổ biến hơn ở người già) gây ra rất nhiều vết bầm nhỏ li ti. Các vết bầm tím là do máu bị rò rỉ ra ngoài các mao mạch nhỏ.
Thuốc trầm cảm
Các nghiên cứu đã chỉ ra, các loại thuốc trầm cảm như fluoxetine, sertraline, citalopram, và bupropion, có thể tương tác với tiểu cầu, là một phần quan trọng trong quá trình đông máu.
Thiếu vitamin
Thiếu hụt vitamin C và vitamin K có thể gây bầm tím không rõ nguyên nhân. Vitamin C rất quan trọng để chữa lành vết thương và sản xuất collagen, một thành phần cấu trúc quan trọng của da. Nếu không có đủ của vitamin C, các mạch máu sẽ mở và dễ bị vỡ. Dấu hiệu bạn cần bổ sung vitamin C bao gồm: mệt mỏi, trầm cảm, chảy máu nướu răng, khớp sưng, chảy máu cam, tóc và da khô.
Viêm mạch máu
Đây là thuật ngữ y học chỉ một nhóm bệnh dẫn đến viêm mạch máu. Bệnh có các triệu chứng là các vết bầm đỏ được gọi là ban xuất huyết, là hậu quả của các mạch máu bị viêm vỡ ra. Viêm mạch được cho là một bệnh tự miễn dịch hoặc là hậu quả của một căn bệnh mãn tính trong thời gian dài như viêm gan. Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm khó thở, ho, và tê hoặc yếu một tay hoặc chân.
Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu sẽ khiến làn da của bạn bị tổn thương và dễ bầm tím, thậm chí da bị mỏng đi nhanh hơn vì ánh nắng gây tổn hại cho da rất lớn, nhất là khi bị cháy nắng. Để tránh điều này, bạn có thể ngăn chặn tác hại của ánh nắng mặt trời bằng cách dùng kem chống nắng có mức độ SPF phù hợp.
Bệnh tiểu đường
Những người bị bệnh tiểu đường có thể biến đổi màu da thành ngăm đen, thường ở những vùng mà tại đó da thường xuyên tiếp xúc vùng da khác. Những biến đổi màu này có thể bị nhầm lẫn với vết bầm tím, nhưng nguyên nhân ẩn giấu thực ra là do đề kháng insulin.
Ung thư
Trong một số trường hợp hiếm gặp, bầm tím là dấu hiệu ung thư máu, ung thư tủy xương hoặc ung thư hạch bạch huyết. Lúc này, bệnh nhân thường bị chảy máu lợi, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm, đau nhức xương đi kèm.
Bệnh gan
Gan có chức năng sản xuất các yếu tố đông máu. Nếu bộ phận này bị tổn thương dẫn đến thiếu hụt protein cần thiết cho đông máu, bạn sẽ dễ bị chảy máu và bầm tím.
Để đảm bảo sức khỏe, bạn hãy mau chóng đi khám nếu thấy các biểu hiện sau: Vết bầm tím đau, sưng; Vết bầm tím kéo dài từ hai tuần trở lên mà không thay đổi; Nhiều vết bầm tím kết hợp sốt, ớn lạnh, sút cân hoặc bất cứ triệu chứng toàn thân nào khác; Bầm tím tái phát không rõ nguyên nhân.
Trúc Linh (Theo Prevention/ANTĐ)