Sống trẻ - Sống đẹp

Mã nguồn mở về trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người khiếm thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là tên dự án của 2 nam sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vừa đạt giải nhất tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022. Dự án này nhằm đem đến cho người khiếm thị những sản phẩm hỗ trợ tích hợp đa chức năng và có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với thiết bị hiện có trên thị trường.
Em Huỳnh Quang Linh (lớp 12A2) và Đặng Thành Tuấn (lớp 11A2) cùng hợp tác để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng mã nguồn mở về trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người khiếm thị. “Trên thị trường hiện nay đã có những sản phẩm hỗ trợ người khiếm thị, nhưng đa số chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người sử dụng. Riêng những sản phẩm cao cấp thì giá thành rất cao và không hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt. Vì thế, chúng em muốn nghiên cứu, tìm tòi kiến thức khoa học và vận dụng nó nhằm mang đến 1 sản phẩm nhiều chức năng, thông minh, giá rẻ và đặc biệt là hỗ trợ đa ngôn ngữ cho người khiếm thị”-Linh chia sẻ.
Tuấn thông tin thêm: Tại Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém (trên 600 ngàn người mù và khoảng 20 ngàn trẻ em khiếm thị); hơn 30% trong số này là người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Do đó, một sản phẩm hỗ trợ nhiều tiện ích với giá rẻ là vô cùng cần thiết và ý nghĩa đối với họ. Để việc phát triển công nghệ hỗ trợ người khiếm thị được thuận lợi, tốc độ lan tỏa cũng như cải tiến cao thì xây dựng mã nguồn mở chính là giải pháp tối ưu.
Em Huỳnh Quang Linh (bên trái) và em Đặng Thành Tuấn cùng nghiên cứu mô hình “Mã nguồn mở về trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người khiếm thị”. Ảnh: Mộc Trà
Từ suy nghĩ nhân văn ấy, tháng 7-2021, Linh và Tuấn bắt tay vào nghiên cứu thiết kế mô hình sản phẩm. Dựa vào phân tích tổng hợp, 2 em chọn ra ngôn ngữ và các thư viện hỗ trợ lập trình xây dựng sản phẩm phù hợp. Tiếp đó, 2 em tiến hành thu thập và lọc những dữ liệu tìm được liên quan đến mã nguồn mở, người khiếm thị và thời gian cũng như tỷ lệ chính xác của cấu trúc mạng Nơ-ron để tối ưu thuật toán; đồng thời, quan sát, thu thập những nhu cầu của người khiếm thị trong sinh hoạt hàng ngày nhằm hướng đến tính thực tiễn của sản phẩm.
“Chức năng cốt lõi của sản phẩm là nhận dạng vật thể. Để hoàn thiện tính năng này, chúng em phải mất gần 5 tháng. Chúng em đã chụp ảnh 30 vật thể với khoảng 2.000-3.000 tấm ở nhiều góc độ khác nhau; gắn thẻ cho từng ảnh để máy tính nhận diện. Trong quá trình ấy, chúng em đã gặp rất nhiều khó khăn và không ít lần thất bại như: máy không nhận diện được, nhận diện sai hoặc lẫn lộn vật thể... phải làm đi làm lại. Thế nhưng, sau nhiều lần rút kinh nghiệm và điều chỉnh, chúng em cũng đã thành công”-Tuấn cho hay.
Hai em Huỳnh Quang Linh, Đặng Thành Tuấn chia sẻ niềm vui cùng thầy giáo Đồng Ánh Dương khi dự án của mình đạt giải nhất tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022. Ảnh: Mộc Trà
Thầy Đồng Ánh Dương-giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh: Từ ý tưởng ban đầu của Linh và Tuấn, tôi định hướng, góp ý thêm để các em hoàn thiện đề tài. Có thể nói, sản phẩm mã nguồn mở về trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào thực tế không chỉ hỗ trợ và cải thiện cuộc sống của người khiếm thị mà còn là nền tảng phát triển cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ nói riêng (phát triển robot, trợ lý ảo trong buôn bán, chăn nuôi và trồng trọt, chẩn đoán bệnh…) và các ngành liên quan đến công nghệ thị giác máy tính nói chung.
Chức năng khó nhất được hoàn thiện cũng chính là nền tảng để Linh và Tuấn tiếp tục lập trình thêm một số chức năng hữu ích khác cho sản phẩm, gồm: đọc văn bản, nhận diện người quen, trợ lý ảo (gửi tin nhắn, email, tra từ điển, nghe tin tức, nghe nhạc, dự báo thời tiết...). Nguyên lý hoạt động của tất cả các tính năng đều dựa vào giọng nói đầu vào. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, 2 em đã thực nghiệm tại lớp đối với một số học sinh có thị giác kém (cận 6-6,5 độ), cho kết quả tương đối khả quan. Là một trong những người tham gia trải nghiệm sản phẩm, em Trương Lê Hoài Phước (lớp 12A2) nhận định: “Mắt bị cận 6,5 độ, em gần như không nhìn thấy rõ ràng mọi thứ nếu không đeo kính. Vì vậy, em thấy sản phẩm của các bạn nghiên cứu khá hữu ích và ý nghĩa dành cho người khiếm thị khi có thể giúp đọc văn bản, nhận diện người quen và một số vật thể quen thuộc khác”.
Sau 5 tháng tìm tòi và nghiên cứu, 2 nam sinh của Trường THPT Lương Thế Vinh đã thu về “quả ngọt” khi được Hội đồng giám khảo Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022 đánh giá khá cao với giải nhất chung cuộc. “Niềm vui hôm ấy thật xúc động và khó tả! Đây là động lực để chúng em tiếp tục theo đuổi đam mê cũng như có cơ hội phát triển hơn nữa đề tài của mình. Dự kiến sau Tết Nguyên đán, chúng em sẽ bắt tay cải tiến sản phẩm bằng việc xây dựng hệ thống sever chạy mã nguồn cố định để ứng dụng và phần cứng đạt hiệu năng tốt nhất; tìm hiểu, xây dựng, cập nhật và thay thế mạng cấu hình Nơ-ron có độ chính xác và tốc độ nhanh hơn; nghiên cứu, phát triển thêm chức năng chỉ dẫn đường đi và nhận dạng thủ ngữ để giúp những người khiếm thị không thể nói được vẫn có thể giao tiếp với máy …”-Linh phấn khởi nói.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm