Bạn đọc

Mai này còn tiếng chim rừng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Con người vốn yêu thích thiên nhiên. Ai không vui khi sớm mai thức dậy nghe tiếng chim hót vang trong nắng ấm vừa lên hay vào rừng đi dạo dưới bóng mát cổ thụ, tai nghe muôn khúc nhạc của những loài chim đang say sưa hót.

Trong không gian trong trẻo, mỗi tiếng chim như một thông điệp gửi đến cho loài người chúng ta những suy ngẫm về hạnh phúc. Chim sơn ca hót rất hay, trong và cao. Chúng có tập tính bay vút lên trời cao rồi vừa hạ cánh vừa hót từng hồi. Chim chích chòe tiếng hót to, vang, nhiều giọng. Chim họa mi tiếng hót líu lo, trong trẻo. Nghe tiếng chim hót giúp con người xua tan bao nhọc nhằn, muộn phiền…

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Yêu thiên nhiên, thích nghe tiếng chim hót, thế nhưng bây giờ, con người lại đang tận diệt loài chim để phục vụ nhu cầu của mình. Hàng ngày ra đường, nếu chịu khó để ý một chút, bạn có thể sẽ bắt gặp những người đàn ông đi xe đạp hoặc xe máy chở phía sau một vài đoạn cây ngắn chừng 1 m. Đến một nơi nào đó thuận tiện, anh ta sẽ gắn đoạn cây này lên cành cây, trụ điện hoặc cắm xuống khoảnh đất trống rồi bật điện thoại cho phát ra tiếng chim sẻ. Nghe tiếng đồng loại, các chú chim sẻ bay đến đậu và lập tức bị dính chặt vào đầu đoạn cây đã bị quệt nhựa. Cứ thế, mỗi ngày, người ta có thể bắt ba bốn chục con chim sẻ, thậm chí hàng trăm con. Mỗi con bán lại cho quán nhậu khoảng 5 ngàn đồng. Loại nhựa dính dùng để bẫy chim hiện có giá khoảng 20 ngàn đồng/hộp, mỗi hộp thoa được 15 lần. Không khó để tính được mỗi tháng, mỗi năm, những người săn chim bằng những chiếc bẫy hiện đại như thế đã giết đi bao nhiêu con chim sẻ.

Nếu đi qua các cung đường miền núi ở nhiều tỉnh trong cả nước, chúng ta có thể bắt gặp những người bán chim sống và cả chim đã chết, từ yểng, sáo, chào mào, chích chòe cho đến le le, cu đất, gầm ghì… Người bán nhốt chúng vào lồng hoặc treo lên một chiếc cọc nếu chim đã chết. “Để người ta dễ thấy mà mua, dẫu sao chúng đã chết hoặc trước sau gì cũng chết”-một người bán chim trả lời như vậy khi nghe hỏi tại sao treo chúng lên tội thế? Theo người bán chim này, hàng ngày, những người săn chim vào rừng tìm những vị trí thuận lợi để đặt bẫy. Nghe tiếng chim mồi kêu da diết, đồng loại sà xuống là sập bẫy ngay. Cũng có người tìm đến những nhánh cây mà chim thường đậu rồi bóc vỏ cây thoa nhựa dính vào, sau đó treo lồng chim mồi hót dụ chim bay tới. Chào mào, khướu, sáo... thường bị dính bẫy theo kiểu này.

Chim bị bắt về phục vụ cho 2 sở thích của con người: một là làm mồi nhậu, hai là làm chim kiểng nuôi trong lồng. Mồi nhậu thường là chim sẻ, cu đất, le le, chim mía, gầm ghì…; còn nuôi là chích chòe, chào mào, sáo, khướu… Các quán nhậu bình dân hay cao cấp đều có món chim nướng phục vụ khách. Còn nếu bị bắt về cho con người nuôi làm cảnh, tuy là được ở trong lồng son, có sẵn thức ăn tươi, nước trong… nhưng khoảng không gian trong lồng tù túng, đâu phải trời xanh mây trắng cho chim thả sức vỗ cánh bay. Đã vậy, bị nuôi nhốt mỗi con một lồng hay nhiều con một lồng đi nữa thì khả năng sinh sản của các loài chim hoàn toàn bị triệt tiêu, dẫn đến số lượng chim ngày một cạn kiệt và tất nhiên cuối cùng sẽ là mất hẳn.

Rõ ràng, chính sở thích của con người đã tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên mà các loài chim trời là một nạn nhân. Mong rằng, bên cạnh sự vào cuộc quyết tâm và kiểm tra thường xuyên của các lực lượng chức năng thì mỗi người cũng nên ý thức hơn để hạn chế, đi đến chấm dứt việc săn bắt, mua bán, ăn thịt và cả nuôi nhốt các loại chim rừng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái của chính chúng ta!

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm