Tình cờ lạc vào xứ mai vàng ở nhiều vùng trên cao nguyên Gia Lai, người xa quê như tôi lại càng mong ngóng ngày Tết đoàn viên.
Rực rỡ sắc hoa
Những ngày này, dọc quốc lộ 14 đoạn qua xã Hòa Phú (huyện Chư Păh), mai vàng đồng loạt bung nở như kéo mùa xuân thêm gần. Mai được trồng trước ngõ, trong sân nhà, ngoài hàng rào… tạo thành cung đường rợp sắc vàng tươi.
Anh Huỳnh Văn Phước-Trưởng thôn 3 (xã Hòa Phú) cho biết: Cách đây hàng chục năm, hầu như gia đình nào trong thôn cũng ít nhất trồng 1 cây mai. Có gia đình trồng cả vườn mai. Nhiều người vì sinh kế đã bán đi những cội mai già, nhưng trong thôn vẫn có đến 70% hộ trồng mai.
Những cây mai vàng nở sớm trước sân nhà anh Thủy Văn Quang, thôn 3 xã Hòa Phú, huyện Chư Păh. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Anh Phước kể: “Bà con chủ yếu là người gốc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định lên đây xây dựng kinh tế mới từ năm 1976. Riêng thôn 3 có đến 50% là người Quảng Ngãi. Hồi đó, mỗi hộ đi kinh tế mới được cấp 2.000 m2 đất, chủ yếu là đất nông nghiệp. Mang theo phong tục quê kiểng nên nhà nào cũng trồng vài cây mai làm cảnh và cũng để vơi bớt nỗi nhớ quê”.
Gần nửa thế kỷ qua, những cây mai vàng mỗi năm thêm tuổi gắn bó mật thiết với hành trình sống của con người.
Thôn 3 ở trung tâm xã Hòa Phú, người dân sinh sống dọc quốc lộ nên mai vàng điểm tô không chỉ trước mỗi sân nhà. Khoảng sân gia đình anh Thủy Văn Quang có hàng chục cây mai, trong đó có 7 cội mai già được cha mẹ anh trồng cách đây nhiều chục năm. Năm nay, 3 gốc mai nở sớm, bung những chùm hoa vàng tươi, dập dờn ong bướm và thu hút ánh nhìn của bao người mỗi dịp ngang qua.
Anh Quang chia sẻ: “Đây là những cây mai do cha mẹ tôi trồng từ những ngày đầu lên đây sinh sống, còn những cây nhỏ hơn do tôi trồng sau này nhưng ít nhất cũng đã 20-30 năm. Nhà sát quốc lộ nên hàng mai được nhiều người chú ý. Không ít người vào hỏi mua và trả 250 triệu đồng mua cả 7 gốc mai nhưng tôi không bán”.
Theo anh Phước, giống mai ở đây chủ yếu là mai rừng. Khác với giống mai Bình Định hay các loại mai cảnh trồng trong chậu, được cắt tỉa, chăm sóc kỳ công, mai rừng trồng ngoài tự nhiên lớn lên theo quy luật của đất trời, có những cây cao 5-7 m. Những gốc mai xù xì được thời gian bồi đắp, to lớn, vững chãi, cành nhánh vươn cao, sắc vàng thêm rực rỡ.
“Cha mẹ tôi gốc Quảng Ngãi, là lớp người đầu tiên di cư lên đây sinh sống hồi năm 1976. Tuy sinh ra lớn lên ở cao nguyên nhưng mỗi năm nhìn mai vàng nở tươi thắm trước sân nhà, tôi cũng có những bâng khuâng khó tả”-anh Phước bày tỏ.
Cây mai trổ những lộc non trong mùa xuân mới. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Trưởng thôn 3 cho biết thêm: Trước đây, người dân trồng mai cho vui cửa vui nhà. Sau này, thấy cây mang lại giá trị kinh tế nên nhiều gia đình trồng thành cả vườn kinh doanh. Giống mai này chủ yếu mang giá trị thời gian, trồng càng lâu năm giá trị càng cao.
Dưới cội mai già
Trước ngôi nhà của ông Huỳnh Tấn Đường (thôn Ngô Sơn, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) có 2 cội mai vươn cao quá nóc nhà. Nhà nằm ngay trên đường vào núi lửa Chư Đang Ya, tựa lưng vào dãy Chư Nâm sừng sững, thêm 2 cội mai càng khiến nhiều người chú ý.
Lão nông này cho biết: Năm 1990, vợ chồng ông làm được ngôi nhà mới, đó là niềm hạnh phúc rất lớn của đời người. Ông lên núi Chư Nâm thấy có mấy cây mai nhỏ nên mang về trồng trước hiên nhà làm kỷ niệm.
“Đây là giống mai trâu, hoa to, sức sống rất mãnh liệt. Năm nào hoa cũng trổ đúng vào dịp Tết. Trong nhiều sắc hoa xuân, tôi yêu sắc mai vàng hơn cả. Màu hoa vàng làm cho nhà cửa sáng sủa, tươi tắn”-ông Đường tâm sự.
Mai vàng trước sân ngôi nhà của cha mẹ ông Huỳnh Tấn Đường. Ảnh: H.N |
Nhưng đẹp nhất phải kể đến những “lão mai” trước nhà của cha mẹ ông Đường. Ngôi nhà mái ngói, sân gạch điển hình cho nếp nhà xưa của người Việt ở miền Trung.
“Đây là giống mai sẻ, bông nhỏ nhưng sai hoa. Ngôi nhà này cha mẹ tôi làm từ năm 1983 và những cây mai cũng được trồng hồi đó. Đây là mai rừng, trong quá trình sản xuất nông nghiệp cha tôi gặp rồi đem về trồng. Giống này sức đề kháng rất cao, không tốn công chăm sóc nhiều. Gần Tết nhặt đi lá già là cây bung nụ rồi nở hoa rực rỡ”-ông Đường cho hay.
Vào dịp Tết, những “lão mai” bung nở làm bừng sáng cả một không gian, mang hương xuân không trộn lẫn vào ngôi nhà của dòng họ Huỳnh. Ông Đường kể, cha mẹ ông quê Bình Định lên vùng đất này từ năm 1968. Ngày đó, nhà đông con nên cuộc sống rất cơ cực.
Thời gian dần trôi, cuộc sống thay đổi, vùng đất trù mật, không chỉ có mai vàng mà trồng cây gì cũng tươi tốt. 6 anh em nhà ông Đường lần lượt trưởng thành, ra riêng, khấm khá, có người làm cán bộ xã, cán bộ thôn. Tuy cha mẹ mất đã lâu, nhưng anh em vẫn sống quây quần, cùng trông nom, chăm sóc từ đường.
Những ngày cuối năm, anh em bảo nhau dọn dẹp, bài trí lễ vật, trang hoàng lại ngôi nhà. Với ông Đường, chỉ cần thấy mai vàng nở rộ nơi góc sân, treo lá cờ Tổ quốc trước ngõ là đã thấy xuân về.
Ngoài những cội mai còn có nhiều cây mai nhỏ rải rác khắp khoảng sân, ra đến khu vườn sau. Ông Đường kể, khi hoa tàn, món quà xuân cây để lại chính là sự kết hạt, theo gió bay khắp vườn.
Trỏ vào một cây mai nhỏ mạnh mẽ vươn lên giữa khe hở của 2 viên gạch trước sân, ông Đường cho biết hạt mai theo gió đã “đậu” lại ở đó. Mai vàng tượng trưng cho người quân tử thẳng ngay, mạnh mẽ, càng khắc nghiệt càng nung nấu ý chí vươn lên, kiêu hãnh cùng đất trời.