Bạn đọc

Mặn mòi vùng muối Đề Gi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi trở lại vùng muối truyền thống Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) giữa mùa nông nhàn, nghe chuyện những diêm dân đang bàn phương án để xây dựng thương hiệu “Muối Đề Gi” khi Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030.
Ở miền Trung có nhiều vùng ven biển phát triển nghề làm muối khá lâu đời như: Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi), Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận), Hà Ra, Phú Thứ (tỉnh Bình Định). Tuy nhiên, có lẽ chưa nơi nào nổi tiếng và người dân kiên trì với nghề muối truyền thống như Đề Gi. Hiện nay, trên thực địa thì vùng muối Đề Gi không chỉ trong phạm vi ở thôn Đức Phổ 1 và Đức Phổ 2 nằm sát đầm Đạm Thủy thuộc xã Cát Minh (huyện Phù Cát) mà nó trải rộng qua xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với những cánh đồng muối rộng hàng trăm héc ta. 
Bà con diêm dân ở Đề Gi không ai nhớ nghề làm muối mà họ gắn bó có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, khi lớn lên, họ đã được thừa kế những ruộng muối mà cha ông để lại. Tôi chưa tìm thấy trong thư tịch, cũng như địa chí ở Bình Định đề cập đến sự hình thành làng làm muối Đề Gi tự năm nào.
Có vài tư liệu đề cập, vào thời cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đô hộ, họ có đặt sở thuế tại Đề Gi để thu thuế muối trong vùng này. Như vậy, việc sản xuất muối của diêm dân nơi đây đã được hình thành trước đó khá lâu với quy mô lớn. Nghề làm muối thủ công truyền thống đã được các thế hệ con cháu ở đây nối nghiệp cha ông từ đời này sang đời khác, có thể lên đến vài trăm năm. 
Tác giả bên đồng muối Đề Gi. Ảnh: Hoàng Linh Việt
Những diêm dân lớn tuổi kể rằng, dưới triều Nguyễn, ông bà họ đã biết dùng muối Đề Gi để ướp cá làm nước mắm ngon nổi tiếng. Các thương lái chở nước mắm và cả muối Đề Gi bằng ghe bầu vượt biển cả tháng trời để về kinh thành Huế cung cấp cho quan lại và dân đô thành. Nghe đâu, người dân và triều đình Huế ngày ấy không thể thiếu nước mắm Đề Gi trong các bữa cơm thường ngày. Và ngày xưa việc cung cấp muối từ đồng bằng ven biển miền Trung cho các bộ tộc miền Thượng ở Tây Nguyên như thế nào cũng ít được sách vở nhắc đến.
Nhưng chắc chắn rằng, việc trao đổi buôn bán các sản vật từ biển lên nguồn hoặc ngược lại đã có từ rất sớm, nhất là khi cư dân người Kinh có mặt khá đông đúc ở vùng duyên hải miền Trung. Điều đó thể hiện khá rõ trong giai đoạn thời Tây Sơn tụ nghĩa, việc giao lưu buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược khá nhộn nhịp mà ngày nay các di chỉ còn lại như: bến Trường Trầu ở Phú Phong hay chợ Gò trong di tích Tây Sơn Thượng đạo. Như vậy, sản phẩm thiết yếu như muối, cá biển từ vùng Bình Định ngày ấy đã về nguồn theo con đường thương lái ở các chợ đầu mối này.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường xuyên “đói cơm lạt muối” do giao thông bị chia cắt, địch cố tình ngăn chặn việc giao thương, buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược nhằm cách ly sự viện trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là muối ăn. Ngày ấy, muối được vận chuyển lên Bắc Tây Nguyên, nguồn cung cấp chủ yếu là Đề Gi và Sa Huỳnh, trong đó, nguồn muối ở Đề Gi là chính vì con đường vận chuyển ngắn và thuận lợi hơn.
Tôi được những người dân vùng Đak Tô, Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) kể lại cảnh “đói muối” trong những năm chiến tranh. Bấy giờ, hạt muối là hạt vàng, đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Người ta đổi 1 chỉ vàng y để lấy 1 nắp cù là muối hạt. Thế mới biết, hạt muối về đến vùng Tây Nguyên bấy giờ phải đổi bằng mồ hôi và máu.
Ngày nay, muối Đề Gi đã trở thành thương hiệu. Trước nay, nhiều người sử dụng muối trong bữa ăn hàng ngày hoặc dùng chế biến nước mắm, mắm cái các loại đều công nhận hạt muối Đề Gi tương đối sạch, độ mặn mềm hơn muối các nơi khác nên đã tạo ra các sản phẩm (nước mắm, mắm cái) đều thơm ngon, mang hương vị đậm đà khá đặc biệt. Mặc dù ngày nay, diêm dân Đề Gi chưa thể sống và làm giàu bằng nghề làm muối do thị trường, giá cả khá bấp bênh nhưng họ không thể bỏ đồng muối mặn mà cha ông mình dày công khai khẩn và gìn giữ qua nhiều thế kỷ.
Ở đồng muối Đề Gi hôm nay, ngoài việc duy trì nghề muối, người dân còn biết thuê đất đào ao nuôi cá nước mặn nên thu nhập hàng năm có khấm khá hơn. “Đó là cách đi hai chân trên đồng muối để trụ vững trên mảnh đất truyền thống đầy gian nan của cha ông”-một diêm dân thôn Đức Phổ 1 nói với tôi một cách đầy tự tin như vậy.
HOÀNG LINH VIỆT

Có thể bạn quan tâm