Thể thao

Thể thao cộng đồng

Mãn nhãn với những chặng đua quyết liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 14 năm, Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong-giải chạy có truyền thống lâu đời và quy mô nhất cả nước mới quay trở lại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Người hâm mộ Phố núi đã lại được sống trong bầu không khí sôi động với những bước chạy dẻo dai, mãn nhãn qua từng chặng đua tranh quyết liệt của các vận động viên (VĐV).
Đẳng cấp ngôi sao
Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62 diễn ra tại TP. Pleiku đã trở thành ngày hội quy tụ những ngôi sao sáng giá nhất của làng điền kinh Việt Nam. Và những cái tên thường xuyên “ăn cơm tuyển” đã chứng minh cho khán giả Phố núi về đẳng cấp của mình. 
 
Những cung đường Phố núi để lại ấn tượng cho các VĐV
Những cung đường Phố núi để lại ấn tượng cho các VĐV. Ảnh: Văn Ngọc
Ở chặng đua dài và khắc nghiệt nhất là marathon với chiều dài 42,195 km, người ta sẽ phải nhắc đến Hoàng Nguyên Thanh (đoàn Bình Phước) như ứng viên lớn nhất cho tấm huy chương vàng. Năm 2020, tại cung đường đảo Lý Sơn, chính VĐV 26 tuổi này đã xuất sắc về nhất. Cũng với cung đường dốc tại TP. Pleiku, Nguyên Thanh đã chứng tỏ đẳng cấp của mình qua việc phân phối sức cùng chiến thuật hợp lý. Ở gần 20 km đầu tiên, anh chấp nhận để VĐV Thế Anh (đoàn Quân đội) và Văn Tuấn (đoàn Bình Dương) vượt lên dẫn trước. Tuy nhiên, nhà đương kim vô địch vẫn âm thầm bám đuổi để không bị bỏ lại quá xa. 
Khi còn khoảng gần 10 km cuối cùng, Nguyên Thanh mới bắt đầu bung sức chạy nước rút, bỏ lại các đối thủ cạnh tranh của mình. Anh đã xuất sắc cán đích đầu tiên, bỏ xa Thế Anh với khoảng cách hơn 1 km. “Đường đua năm nay có khá nhiều dốc nhưng tôi đã đến TP. Pleiku luyện tập, làm quen đường chạy, khí hậu từ khá sớm. Đây là lần thử thách đầy ý nghĩa để tôi có thể hướng tới SEA Games 31 sẽ diễn ra tại Việt Nam. Hy vọng tôi sẽ vẫn giữ được phong độ như tại giải đấu này”-Nguyên Thanh chia sẻ. 
Ảnh: Văn Ngọc
VĐV Hoàng Nguyên Thanh (đoàn Bình Phước) đã giành huy chương vàng nội dung 42,195 km nam tuyển. Ảnh: Văn Ngọc
Còn ở cự ly marathon của nữ, tuyển thủ quốc gia Phạm Thị Hồng Lệ (đoàn Bình Định)-người từng giành huy chương đồng SEA Games 30 đã có màn bứt phá mạnh mẽ để hạ gục đương kim vô địch Hoàng Thị Ngọc Hoa (đoàn Bình Phước). Tại đảo Lý Sơn năm 2020, chính Hồng Lệ đã để vuột tấm huy chương vàng vào tay Ngọc Hoa. Tuy nhiên, trên đường đua diễn ra ở TP. Pleiku, Hồng Lệ đã không cho đối thủ một cơ hội nào cho dù Ngọc Hoa đã cố gắng song hành trong khoảng hơn 25 km đầu tiên. Cuối cùng, Hồng Lệ đã xuất sắc về đích với thành tích 2 giờ 52 phút, bỏ xa Ngọc Hoa-đồng đội của mình ở đội tuyển quốc gia. 
Trong khi đó, VĐV của đoàn Quân đội Đỗ Quốc Luật vẫn đang chứng tỏ sự “vô đối” của mình ở cự ky 10 km nam tuyển. Tuyển thủ quốc gia từng giành huy chương vàng cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật ở SEA Games 30 cùng 6 lần liên tiếp lên ngôi ở cự ly 10 km tại Giải Vô địch quốc gia đã tiếp tục vượt qua 41 cái tên còn lại để ghi danh trên bảng vàng.
Ở cự ly 5 km nữ tuyển, một tuyển thủ khác là Nguyễn Thị Oanh (đoàn Bắc Giang) đã có lần thứ 6 liên tiếp giành huy chương vàng. Đây là kết quả đã được dự đoán trước vì chính “cô gái vàng” quê Bắc Giang là người đã giành 2 tấm huy chương vàng cho đoàn Việt Nam tại SEA Games 30 ở các cự ly 5 km và 1.500 m. 
Ảnh: Đức Thụy
Các VĐV chạy qua hàng thông trăm tuổi. Ảnh: Đức Thụy
Ấn tượng chủ nhà Gia Lai
Gia Lai là mảnh đất sản sinh ra nhiều VĐV có tiếng tăm trong làng chạy nước nhà. Tuy nhiên, những năm qua, kết quả toàn đoàn của Gia Lai không quá ấn tượng. Trong lần Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong trở lại Gia Lai, đoàn chủ nhà đặt quyết tâm lớn để tìm lại vị thế của mình. Đoàn Gia Lai đã có những màn tập dượt kỹ lưỡng trong những ngày qua và lên giây cót tinh thần sẵn sàng cho ngày tranh tài. 
VĐV 21 km trên đường về đích. Ảnh: Đức Thụy
Các VĐV thi đấu nội dung 21 km trên đường về đích. Ảnh: Đức Thụy

Thực tế trên đường chạy, các VĐV Gia Lai đã chứng tỏ thực lực của những người vốn rất quen với cung đường dốc và khí hậu của Phố núi. Xuất sắc nhất chính là VĐV Lê Thị Hiền ở cự ly 21 km nữ hệ phong trào với tấm huy chương vàng. Cô gái người Gia Lai không được đánh giá quá cao trước khi xuất phát nhưng đã chứng tỏ bản lĩnh trong từng bước chạy đầy chắc chắn. Từ những mét chạy đầu tiên, Hiền luôn giữ vị trí trong tốp đầu để rồi có cú nước rút thần tốc mang về tấm huy chương vàng duy nhất cho đoàn Gia Lai. 
Ở cự ly 42,195 km nam hệ phong trào dành cho VĐV dưới 34 tuổi, cái tên Võ Cao Thiện Nghĩa cũng đã để lại nhiều dấu ấn. Anh Nghĩa chính là đương kim vô địch cự ly 7 km nam chính tại Giải Việt dã Báo Gia Lai năm 2020. Đến với giải đấu được tổ chức trên sân nhà năm nay, anh Nghĩa đặt mục tiêu khá cao là giành huy chương vàng. Tuy không đạt được vị trí cao nhất nhưng VĐV người An Khê vẫn góp phần lớn vào thành tích đứng thứ nhì toàn đoàn của đơn vị Gia Lai. 
Các VĐV nam 10 km trên đường về đích. Ảnh: Đức Thụy
Các VĐV nam thi đấu nội dung 10 km trên đường về đích. Ảnh: Đức Thụy
Ở các cự ly khác, đoàn VĐV Gia Lai đều tham gia đầy đủ và có những thành tích khả quan dù xếp hạng không quá cao. Do đó, trong bảng tổng sắp toàn đoàn, Gia Lai đã xuất sắc vươn lên vị trí thứ 2. Lần gần nhất họ đạt được thứ hạng này chính là vào năm 2007 khi giải đấu được tổ chức trên sân nhà. Đoàn Quân đội xếp ở vị trí thứ nhất toàn đoàn. Trong khi đó, đoàn Đak Lak cũng đã có một giải đấu thành công khi chen chân vào tốp 3. 
Cùng với đó, cung đường chạy tại Phố núi đã mang lại kỷ niệm đáng nhớ cho các VĐV trên cả nước. Đặc biệt, ở cự ly 42,195 km qua khu vực Biển Hồ chè, hàng ngàn người dân, các em học sinh đã đổ ra chào đón, cổ vũ các VĐV. Chính vì thế, các VĐV dù đã thấm mệt khi chạy tới đoạn đường này cũng không khỏi phấn khích bởi sự niềm nở của người dân Gia Lai. Chắc chắn đó sẽ là những hình ảnh đẹp khó phai với các VĐV khi được trải nghiệm ở đường chạy có một không hai. 
Kết thúc giải, Ban tổ chức đã trao giải cho các đoàn và cá nhân VĐV giành thành tích cao. Cụ thể, ở nội dung 42,195 km nam tuyển, giải nhất được trao cho VĐV Hoàng Nguyên Thanh (đoàn Bình Phước); giải nhất nữ tuyển thuộc về VĐV Phạm Thị Hồng Lệ (đoàn Bình Định). Ở nội dung 21 km, giải nhất nam tuyển thuộc về VĐV Nguyễn Văn Lai (đoàn Quân đội); giải nhất nữ tuyển là VĐV Đoàn Thu Hằng (đoàn Quảng Ninh).
Giải nhất nội dung 5 km nữ tuyển được trao cho VĐV Nguyễn Thị Oanh (đoàn Bắc Ninh). Ở nội dung 5km nữ trẻ, VĐV Bùi Thị Thu Hà (đoàn Thanh Hóa) giành giải nhất. Nội dung 10 km nam tuyển, VĐV Đỗ Quốc Luật (đoàn Quân đội) giành giải nhất. Nội dung 10 km nam trẻ, VĐV Đào Minh Trí (đoàn Quân đội) giành giải nhất.
Về giải toàn toàn, đoàn Quân đội đứng thứ nhất, đoàn Gia Lai xếp thứ nhì và thứ ba là đoàn Đak Lak.
Cũng tại lễ bế mạc giải, Báo Tiền Phong đã trao cờ đăng cai Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài lần thứ 63-2022 cho đại diện của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ đăng cai Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 63-2022. Ảnh: Thiên Di
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ đăng cai Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 63-2022. Ảnh: Thiên Di
Ông Lê Văn Sơn-Tổng Biên tập Báo Tiền Phong. Ảnh: Thiên Di
Ông Lê Văn Sơn-Tổng Biên tập Báo Tiền Phong. Ảnh: Thiên Di

*Ông Lê Xuân Sơn-Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, đồng Trưởng ban tổ chức giải: Có thể nói, giải năm nay thu hút số lượng VĐV tham gia thi đấu đông nhất và thành công nhất từ trước đến nay. Do quy tụ được hơn 4.300 VĐV đỉnh cao, phong trào trong và ngoài nước tham dự nên giải có bề rộng, chiều sâu và là nền tảng của điền kinh Việt Nam; đồng thời là bước chuẩn bị rất tốt cho VĐV đội tuyển điền kinh nước ta trước thềm SEA Games 31. Ở khía cạnh khác, Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021 là sự kiện thể thao có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đơn vị đăng cai tổ chức. Lý do là với chuỗi hoạt động bên lề phong phú trong giải này đã giới thiệu tổng thể về văn hóa, con người, tiềm năng kinh tế, du lịch của Gia Lai.

Chúng tôi xin được cảm ơn sự đồng hành của các nhà tài trợ, bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành tỉnh Gia Lai để giúp giải đấu diễn ra thành công tốt đẹp.
Ông Nguyễn Tuấn Viết-Huấn luyện viên đoàn Quân đội.
Ông Nguyễn Tuấn Viết-Huấn luyện viên đoàn Quân đội. Ảnh: Thiên Di
*Ông Nguyễn Tuấn Viết-huấn luyện viên đoàn Quân đội: Đoàn Quân đội vượt chỉ tiêu đề ra tại giải năm nay. VĐV đoàn chúng tôi đã bảo vệ được huy chương vàng cá nhân 21 km nam tuyển, 10 km nam tuyển và 10 km nam trẻ, đồng đội nam tuyển, đồng đội nam trẻ. 
Theo cá nhân tôi, giải lần thứ 62 có tính chuyên nghiệp cao khi quy tụ được hơn 4.300 VĐV trong và ngoài nước tham gia thi đấu. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cũng như khi giải đấu diễn ra cũng được tổ chức rất nghiêm túc, khoa học. Gần nửa tháng có mặt ở đây, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi tích cực trong quá trình chuẩn bị cho giải. Đơn cử như tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành ½ con đường Tôn Đức Thắng, đảm bảo mặt đường tốt cho việc thi đấu của VĐV.
VĐV Nguyễn Thị Oanh.
VĐV Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: Thiên Di
*VĐV Nguyễn Thị Oanh (đoàn Bắc Giang)-vô địch 5km nữ tuyển: Đây là năm thứ 6 liên tiếp tôi giành huy chương vàng tại Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong. Tôi rất vui vì đã đạt được mục tiêu đề ra. Đây là tiền đề để tôi nỗ lực hơn tại SEA Games 31. Đường chạy năm nay khó, có nhiều dốc nhưng bù lại là không khí mát mẻ và sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả đã tiếp thêm động lực thi đấu cho chúng tôi.
LÊ VĂN NGỌC-THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm