Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Mang chiêng đi đánh xứ Hàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Được sự cho phép của UBND tỉnh Gia Lai, nhận lời mời và sự tài trợ kinh phí từ Trường Đại học Jeonju Kijeon (Hàn Quốc), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành lập đoàn nghệ nhân tham dự lễ hội Âm thanh thế giới lần thứ 22 tại nước này.

Ngày 13-9 này, 14 nam nghệ nhân Jrai từ nhiều làng khác nhau của huyện Ia Grai và TP. Pleiku sẽ bay sang tỉnh Jeonbuk (còn gọi là Jeollabuk hoặc Jeollabuk-do) để tham gia lễ hội Âm thanh thế giới lần thứ 22. Theo thông tin của Ban tổ chức, lễ hội thường niên này bắt đầu được người Hàn Quốc tổ chức ở TP. Jeonju từ năm 2001. Hàng năm, cứ vào mùa thu, Jeonju lại được nhiều người trên thế giới nhắc đến cùng với từ “Sori”. Sori trong tiếng Hàn có nghĩa là âm thanh và ngôn ngữ của âm nhạc. Đây chính là lý do khiến lễ hội Âm thanh thế giới còn được gọi là Festival Sori Quốc tế Jeonju (Jeonju International Sori Festival).

Thông qua sự kiện này, những người tổ chức mong muốn đem đến cho công chúng giá trị đích thực của âm nhạc Hàn Quốc đương đại, bảo tồn các hình thức nguyên sơ của nó; quan trọng hơn là “mơ về ngày mai thông qua những thử thách sáng tạo và sự phối hợp của các thể loại”.

Đoàn nghệ nhân tích cực tập luyện, sẵn sàng lên đường biểu diễn. Ảnh: N.Q.T

Đoàn nghệ nhân tích cực tập luyện, sẵn sàng lên đường biểu diễn. Ảnh: N.Q.T

Sinh năm 2002, Rcơm Bus (làng Pleiku Roh, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) là người trẻ nhất trong đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai tham dự sự kiện lần này. Anh cho biết: Gần 1 tháng nay, vào các buổi tối, cả đoàn thường xuyên tập trung về nhà Nghệ nhân Ưu tú Rchơm Tih (làng Jut 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) để tập luyện. Như nhiều người, mình mong sớm đến ngày được nhìn thấy đất nước Hàn Quốc, vốn trước nay chỉ biết và yêu thích qua phim ảnh.

Nghệ nhân Ưu tú Rchơm Tih thông tin: Ngay sau khi có hướng dẫn của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, chúng tôi đã họp bàn và xây dựng một chương trình văn nghệ dân gian dài gần 1 giờ đồng hồ, bao gồm trình tấu cồng chiêng, hát dân ca và các loại nhạc cụ tre nứa. Anh em tập luyện rất tích cực, luôn động viên nhau vì ai cũng nghĩ đây là cơ hội tốt để giới thiệu văn hóa Gia Lai đến với bạn bè thế giới. Bản thân tôi đã đi diễn ở nhiều nơi, gồm cả nước ngoài, nhưng phần lớn đó là những chuyến đi cá nhân. Lần này, được chính thức tham gia vào một lễ hội âm thanh lớn của thế giới, tôi rất tự hào và quyết tâm phải cùng anh em trong đoàn làm cho nhiều nước biết phần nào về cái hay của âm nhạc Tây Nguyên chúng ta.

Theo Ban tổ chức lễ hội, ngoài lực lượng chính là các nghệ sĩ, nghệ nhân Hàn Quốc, còn có 14 đoàn/đội đến từ 11 quốc gia ở các khu vực khác nhau trên thế giới như Úc, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Trung Quốc… tham dự sự kiện năm nay. Tại đây, bên cạnh âm nhạc hiện đại, các nghệ nhân đến từ Uzbekistan, Chile và Việt Nam sẽ trình bày dòng nhạc dân gian đặc trưng của mình. Với chủ đề “Cùng bảo tồn và phục hồi” (Co-existence and Resilience), cuộc gặp gỡ lớn năm nay diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 15 đến 24-9), với 89 chương trình nghệ thuật, 105 buổi biểu diễn và hội thảo.

Ngoài sân khấu chính ở Trung tâm nghệ thuật Sori, lễ hội còn được tổ chức tại 14 địa điểm khác nhau của tỉnh Jeonbuk. Điểm độc đáo là hoạt động thuộc sự kiện này cũng sẽ xuất hiện tại một số trường học, thư viện hay phòng trưng bày và bệnh viện, quán cà phê… để mọi người đều có thể cảm nhận, thưởng thức được âm nhạc một cách thuận lợi.

Đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai lần này mang sang Hàn Quốc hơn 100 kg hành lý là các nhạc cụ, trang phục và đạo cụ để trình diễn 7 tiết mục. Chương trình của đoàn bắt đầu với bài chiêng “Lời chào đoàn kết”, khép lại bằng hòa tấu “Mừng chiến thắng”. Nhằm giới thiệu sự phong phú của âm nhạc dân gian địa phương, các bài hát dân ca, đồng dao hay thổi sáo, trình tấu đàn ting ning, đàn bró cũng đã được chuẩn bị công phu. Nghệ nhân Rah Lan Thắng (SN 1986, làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) khẳng định: “Chưa có chương trình nào mà anh em lại tập luyện kỹ lưỡng và hào hứng như lần này”.

Có một điều khá thú vị là trong lễ hội Âm thanh thế giới lần thứ 22 này, 2 nhóm nghệ nhân đại diện cho các cộng đồng sở hữu danh hiệu UNESCO “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Việt Nam) và Pansori của Hàn Quốc chính thức có cơ hội gặp gỡ, giao lưu. Hình thức nghệ thuật dân gian tổng hợp đặc sắc Pansori của Hàn Quốc được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản thế giới năm 2003. Trong khi đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức quốc tế này ghi danh năm 2005.

Đầu năm 2023, từng có một nhóm nhỏ các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San sang biểu diễn phục vụ Hội Người Việt tại TP. Jeonju. Lần này, chuyến công tác của các nghệ nhân Jrai bước đầu chính thức mang theo thông điệp mới về văn hóa dân gian Gia Lai: vùng đất giàu bản sắc và đặc biệt phong phú về âm nhạc. Đây cũng là lần đầu tiên, các nhạc cụ làm từ tre nứa, những làn điệu dân ca và nhất là âm thanh trầm hùng của cồng chiêng Gia Lai vang lên trên một sân khấu lớn của Hàn Quốc.

Có thể bạn quan tâm