Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Mang hương cà phê Tây Bắc bay xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bén duyên với cà phê từ ngày làm pha chế, yêu Tây Bắc từ một lần đi tình nguyện, Nguyễn Ngọc Sơn cũng không ngờ 3 năm sau anh có mặt ở vùng đất này, cùng giúp bà con hồi sinh dòng cà phê Arabica huyền thoại.

 

Nguyễn Ngọc Sơn, tình nguyện viên yêu Tây Bắc - Ảnh: NVCC
Nguyễn Ngọc Sơn, tình nguyện viên yêu Tây Bắc - Ảnh: NVCC


Ngày đầu năm mới, khoe với chúng tôi những tấm hình cười rạng rỡ cùng người nông dân Tây Bắc bên những cây cà phê trĩu hạt, Nguyễn Ngọc Sơn, 25 tuổi, trú Hà Nội, tình nguyện viên tổ chức phi lợi nhuận CARE quốc tế tại Việt Nam (giúp nâng cao vị thế kinh tế/tiếng nói của phụ nữ ở cộng đồng, chống bạo lực quấy rối…) chia sẻ: “Cà phê Arabica đã xuất hiện ở Tây Bắc từ hơn 30 năm trước, tuy vậy bà con chưa bao giờ tự pha và thưởng thức ly cà phê từ chính thứ quả của mình. Cho đến hôm nay, nhìn mọi người ngồi bên ly cà phê mới pha rồi tấm tắc khen ngon, chúng tôi ai cũng tự hào và hạnh phúc”.

Tây Bắc là duyên nợ

Nguyễn Ngọc Sơn cho hay Sơn La và Điện Biên là vùng truyền thống trồng cà phê Arabica, tuy nhiên suốt một thời gian dài người dân đã ồ ạt trồng cà phê, diện tích cây trồng vượt xa quy hoạch, phương pháp canh tác sơ khai, chất lượng sụt giảm, giá thành ngày càng thấp, bà con lại càng xa rời cà phê. Do đó, công việc của các chuyên gia cà phê, những tình nguyện viên là đồng hành cùng người dân, giúp bà con có thể sản xuất cà phê chất lượng cao, tập trung vào thị trường trong nước, vực dậy niềm tin về cây cà phê có thể giúp thoát nghèo. Mọi người cùng thống nhất tên dự án là Ara-Tay, viết tắt của chữ Arabica và Tây Bắc.

Nguyễn Ngọc Sơn là một trong những tình nguyện viên của dự án này ngay từ những ngày đầu. Xuất thân là một kỹ sư quản lý biển, học ngành quản lý môi trường, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, yêu thích hoạt động xã hội, Sơn luôn đau đáu suy nghĩ giải quyết các vấn đề về môi trường và bình đẳng giới. Bén duyên với cà phê từ khi tới giúp người chị Lê Cát Trọng Lý tại tiệm cà phê Phủ và được học cách nêm nếm pha chế, từ đó, Sơn cảm nhận được cái hồn của từng thức uống và sự khác nhau giữa các cách pha cà phê. 3 năm trước, lần đầu tiên anh tới Sơn La vùng Tây Bắc trong chuyến đi thiện nguyện cùng các sinh viên. “Kể từ đó, Sơn La là một cái nợ đối với tôi, nợ với tình cảm bà con dành cho mình và vùng đất tuyệt đẹp khiến mình mê đắm. Tôi tham gia Ara-Tay trong tâm thế tò mò về thức uống huyền thoại và cơ hội được trở lại vùng đất đầy duyên nợ ấy”, Sơn bộc bạch.

Sơn cho hay có nhiều điều anh nhớ mãi trong từng chuyến đi lên vùng Tây Bắc thăm bà con, mỗi ngày lại khiến anh ồ lên ngạc nhiên, rồi khâm phục những thứ mà bà con đang làm và sinh sống tại đây.

Anh kể: “Bà con có thể đi lướt nhanh trên nương cà phê dốc gần 45 độ mà không trượt ngã một lần nào, hay cách anh Dô - người dân bản, căng dây ròng rọc để vận chuyển đất hay phân bón từ đồi bên này sang đồi bên kia để tiết kiệm thời gian và công sức đầy sáng tạo. Mọi người dựa vào thiên nhiên và hiểu vùng đất của mình, tự xoay xở và nuôi dưỡng thứ cà phê vô cùng thơm ngon như vậy bao nhiêu năm qua”.

Cây cà phê nâng quyền phụ nữ

Anh Lê Xuân Hiếu, quản lý dự án Ara-Tay, cho hay còn nhiều câu chuyện xã hội khác đằng sau những hạt cà phê ở Tây Bắc. Nhiều nghiên cứu, khảo sát và kinh nghiệm hoạt động của anh và các cộng sự cho thấy người phụ nữ nơi đây chưa được hưởng lợi một cách công bằng so với những gì họ đóng góp, đặc biệt trong việc ra quyết định, kiểm soát và sử dụng thành quả lao động mà họ tạo ra.

Người phụ nữ trồng cà phê Arabica tại Sơn La, Điện Biên cũng không phải là ngoại lệ, số lượng thời gian làm việc của họ nhiều hơn nam giới, nhưng hầu hết các quyết định về sản xuất, bán và hưởng thụ lại nghiêng về nam giới. Chính vì vậy, theo anh Hiếu, cùng với việc hướng dẫn trồng cà phê chất lượng hơn, mọi người đang thực hiện dự án nâng quyền kinh tế cho người phụ nữ trồng cà phê ở Sơn La và Điện Biên thông qua áp dụng các kiến thức và công nghệ.

“Muốn được như vậy, mọi người cùng nhau tập trung nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình trồng cà phê, thông qua các hoạt động chính như tổ chức lại sản xuất ở quy mô tập trung, nâng cao chất lượng cà phê, cải tiến bao bì, tìm đối tác giúp tiêu thụ sản phẩm. Cũng qua cà phê, nhóm muốn nâng cao vị thế, tiếng nói của người phụ nữ. Người phụ nữ phải có tiếng nói trong quá trình trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ cà phê, đồng thời có thể tham gia đàm phán, hạch toán kinh doanh…”, anh Hiếu trao đổi.

Đến nay, những thành quả đầu tiên của Ara-Tay đã được ghi nhận.

Ngày đầu xuân, dưới những tán hoa đào hồng rực trời Tây Bắc, những ly cà phê thơm ngát tỏa hương, anh Hiếu hồ hởi khoe: “Chúng tôi mới gửi sản phẩm cho khách hàng thử và được đánh giá tới 82/100 điểm. Giá thị trường khoảng 60.000 đồng/kg cà phê nhân nhưng chúng tôi đã thương thảo được cho sản phẩm cà phê Ara-Tay do bà con tận tay làm ra là 150.000 - 170.000 đồng/kg nhân”.

 

Theo Thúy Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm