Xã hội

Mang Yang chú trọng hòa giải ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) quan tâm chú trọng, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.  
Với phương châm giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở nên các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đã được các hòa giải viên ở các thôn, làng cùng cán bộ xã phân tích, giải thích hợp tình, hợp lý, vận động các bên để giải quyết dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác hòa giải, đặc biệt khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, cả 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều chú trọng củng cố, kiện toàn hoạt động các tổ hòa giải và lực lượng hòa giải viên. Hiện toàn huyện có 80 tổ hòa giải ở cơ sở với 533 hòa giải viên, trong đó, 357 người dân tộc thiểu số.
Từ năm 2015 đến nay, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 279 vụ việc; trong đó hòa giải thành 226 vụ việc (đạt tỷ lệ 81%), 53 vụ việc hòa giải không thành (chiếm tỷ lệ 19%). Riêng trong 2 năm (2019, 2020), phòng Tư pháp huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 13 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho 1.348 lượt cán bộ, công chức Tư pháp cấp xã, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở, người có uy tín ở thôn, làng, tổ dân phố...; cấp phát 5.870 cuốn tài liệu, 15.500 tờ rơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật các loại; tổ chức 24 đợt tuyên truyền lưu động, với hơn 2.140 lượt người tham gia.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hà Phương
Quang cảnh hội nghị bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Mang Yang tổ chức. Ảnh: Hà Phương
Là người có hơn 10 năm tham gia công tác hòa giải, ông Đônh-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Kon Brung (xã Ayun) cho biết: “Đa phần vụ việc mâu thuẫn phát sinh tập trung vào lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình và tranh chấp khác trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Khi vụ việc xảy ra, chúng tôi phối hợp cùng cán bộ xã đến từng nhà gặp các bên để giải thích hợp tình, hợp lý, vận động  hàn gắn mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Hầu hết các vụ việc đều được hòa giải, các đương sự có sự thống nhất cao”.
Làng Đê Rơn (xã Đak Djrăng) là một ví dụ về hiệu quả của công tác hòa giải và hoạt động lực lượng hòa giải viên. Các vụ tranh chấp, mâu thuẫn được tổ hòa giải tiếp nhận và giải quyết kịp thời, hạn chế tình trạng khiếu nại vượt cấp. Khi tiếp nhận vụ việc, các thành viên tổ hòa giải đến tận nơi tìm hiểu, nắm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh, lắng nghe nhận định của những người xung quanh để có thêm cơ sở đánh giá, hướng giải quyết thấu tình, đạt lý.
Ông Kriu-Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Đê Rơn, thành viên tổ hòa giải-chia sẻ: “Khi vụ việc xảy ra, mỗi bên tranh chấp đều đưa ra lý lẽ để chứng minh mình đúng, do đó người hòa giải phải thực sự khách quan, công bằng, đề cao lẽ phải khi giải quyết. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các bên đặt lòng tin vào hòa giải viên, đồng thuận phối hợp giải quyết vụ việc. Các thành viên tổ hòa giải và cán bộ các đoàn thể luôn bám sát địa bàn, nắm tình hình để ngăn ngừa, giải quyết tranh chấp ngay từ khi sự việc mới bắt đầu phát sinh. Chúng tôi vận dụng quy định của luật pháp và hương ước, quy ước của làng, luật tục của người dân tộc địa phương để giải quyết một cách hài hòa, thấu tình đạt lý nên người dân đồng thuận”.
 Bồi dưỡng kỹ năng cho các hòa giải viên trên địa bàn huyện Mang Yang. Ảnh: Hà Phương
Bồi dưỡng kỹ năng cho các hòa giải viên trên địa bàn huyện Mang Yang. Ảnh: Hà Phương
Ông Thân Văn Thái-Trưởng phòng Tư pháp huyện Mang Yang-cho biết: “Triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được các cấp, các ngành ở địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, ổn định. Tỷ lệ vụ việc hòa giải thành trong phạm vi giải quyết đạt tỷ lệ cao, qua đó góp phần hạn chế tối đa các đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương”.
Song song với công tác hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, các hòa giải viên còn tăng cường lồng ghép hoạt động hòa giải với trợ giúp pháp lý, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiệu quả hiểu biết pháp luật, tạo thói quen chấp hành tốt pháp luật cho nhân dân trên địa bàn.
“Thời gian tới, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, cơ quan thường trực là Phòng Tư pháp sẽ tăng cường triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở thông qua nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng để đưa pháp luật hòa giải vào cuộc sống, xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”-Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết thêm.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm