Giáo dục

Tin tức

Mang Yang nỗ lực xóa điểm trường, lớp ghép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Đề án giảm lớp ghép giai đoạn 2021-2025, trong năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) quyết tâm đưa học sinh các điểm trường làng về điểm trường trung tâm, đồng thời giảm các lớp ghép nhằm tạo điều kiện để các em được thụ hưởng đầy đủ chính sách công bằng trong giáo dục.

Giảm dần lớp ghép

Ông Nguyễn Vĩnh Hoàng-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang-cho biết: “Từ đầu năm đến nay, các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai thực hiện Đề án giảm lớp ghép. Số lớp ghép giảm đáng kể qua từng năm. Năm học 2021-2022, toàn huyện chỉ còn 31 lớp ghép, giảm 30 lớp so với năm học trước. Đề án nhằm giúp các em học sinh vùng khó có điều kiện học tập tốt hơn, được học tiếng Anh và Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ GD-ĐT quy định”.

Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Lơ Pang có 675 học sinh ở 5 khối lớp với 99% là dân tộc Bahnar. Hiệu trưởng Hoàng Quốc Bửu cho biết: Năm nay, nhà trường chỉ còn 4 lớp ghép tại 2 làng Pờ Yầu và Blêl, giảm 3 lớp so với trước. Các em học sinh về học tập trung tại trường chính với đầy đủ cơ sở vật chất, trang-thiết bị và đồ dùng dạy học. Đặc biệt, 13 học sinh lớp 5 ở làng Pờ Yầu cũng về học tại điểm trường trung tâm.

 Học bán trú tại điểm trường chính giúp học sinh tập trung hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Phương Linh
Học bán trú tại điểm trường chính giúp học sinh tập trung hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Phương Linh



Tại làng Đê Bơ Tưk (xã Đak Jơ Ta), học sinh đi học khá xa, trong khi đường sá cách trở. Đầu năm học này, 30 học sinh lớp 4 và 5 tại làng được đưa về điểm trung tâm của Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta để học bán trú cùng các bạn, giảm được 2 lớp ghép tại làng. Thầy Nguyễn Văn Thuật-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta-chia sẻ: “54 học sinh các làng xa theo học bán trú tại trường, trong đó có 30 em ở làng Đê Bơ Tưk là đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016 của Chính phủ đối với thôn, làng đặc biệt khó khăn. Khi mới về trường chính, các em còn rụt rè, bỡ ngỡ. Nhưng được thầy cô quan tâm, bạn bè động viên, các em đã bắt nhịp và làm quen với môi trường học tập mới”.

Việc giảm lớp ghép, đưa học sinh các làng xa về khu vực trung tâm xã để học tập tưởng dễ song lại không hề đơn giản. “Ban đầu, phụ huynh không đồng ý vì gia đình không có phương tiện đưa đón hay thăm nom thường xuyên. Các thầy cô cùng với bí thư chi bộ, trưởng thôn ra sức vận động, tuyên truyền, mời phụ huynh đến tận trường để xem cơ sở vật chất, nơi ăn ở của các em trong thời gian học tập tại trường, khi đó họ mới yên tâm”-thầy Thuật tâm sự.

Tất cả vì học sinh

Năm học 2021-2022, em Gơn lên lớp 5. Chia tay lớp ghép tại điểm trường làng Pờ Yầu, em được về điểm trường chính tại trung tâm xã để học với các bạn. Cùng “xuống núi” với Gơn còn có 12 bạn trong khối lớp 5. Không còn cảnh buổi đến lớp, buổi theo mẹ lên nương rẫy, Gơn và các bạn ở lại trường, được các thầy cô chăm sóc tận tình từ bữa ăn, giấc ngủ đến học tập, sinh hoạt. Thầy Bửu tâm sự: “Do chưa có nhân viên cấp dưỡng nên nhà trường nhờ bếp ăn của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Lơ Pang để nấu ăn cho 13 học sinh. Do cơ sở vật chất thiếu thốn nên thầy cô nhường lại 2 phòng tập thể làm nơi ăn ngủ cho học trò. Từ nguồn đóng góp của các Mạnh Thường Quân, chúng tôi trang bị chăn, chiếu, lắp thêm ti vi để các em giải trí, theo dõi thông tin, trau dồi tiếng Việt”. Ngoài ra, Ban Giám hiệu cũng phân công thầy-cô giáo luân phiên theo dõi, chăm sóc, sắp xếp lịch học thêm cho học sinh vào các buổi chiều trong tuần, đặc biệt là môn Tiếng Anh và Tiếng Việt.

Thầy cô Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta quan tâm động viên các em học sinh ở làng Đê Bơ Tưk về học bán trú tại điểm trường chính. Ảnh: Phương Linh
Thầy cô Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta quan tâm động viên các em học sinh ở làng Đê Bơ Tưk về học bán trú tại điểm trường chính. Ảnh: Phương Linh


Trước sự quan tâm chu đáo, tận tình của thầy cô, 13 học sinh lớp 5 ở làng Pờ Yầu đều cảm thấy ấm lòng, yên tâm học tập. Em Gơn bộc bạch: “Cha em mất sớm. Một mình mẹ nuôi em ăn học, khổ lắm, cơm bữa có bữa không. Bây giờ được ở lại trường, có thầy cô kèm cặp học tập, em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ sự quan tâm của thầy cô và mọi người”.

Theo Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mang Yang, việc giảm lớp ghép sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đây là điều kiện để cải thiện chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn của huyện.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án giảm lớp ghép giai đoạn 2021-2025, ngành GD-ĐT huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, học sinh, phụ huynh về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số; mục đích, ý nghĩa của việc giảm thiểu lớp ghép; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo việc học chuyên cần, hạn chế học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng. “Huyện chủ trương vận động học sinh về học tại điểm trường chính hoặc dồn học sinh các làng có cự ly gần học chung với nhau; chỉ mở lớp 1, 2 tại điểm lẻ khi học sinh không thể tập trung về trường chính; từng bước xóa dần điểm trường lẻ và thành lập cụm điểm trường để học sinh được học theo lớp đơn. Tăng cường áp dụng mô hình bán trú và bán trú dân nuôi đối với học sinh lớp 3, 4, 5 ở những thôn, làng có vị trí địa lý hiểm trở để tập trung các em về điểm trường chính học tập, tạo thuận lợi cho học sinh, phụ huynh cũng như giáo viên”-ông Hoàng nhấn mạnh.


 

 PHƯƠNG LINH
 

Có thể bạn quan tâm