Phóng sự - Ký sự

Mang Yang: Phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, đời sống kinh tế-xã hội ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) ngày một phát triển; an ninh trật tự được giữ vững. Trong kết quả chung đó có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Toàn huyện Mang Yang hiện có 8.899 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 42.267 khẩu. Huyện có 60 già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 12 xã, thị trấn.

Những năm qua, đội ngũ người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua của địa phương; đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ để vươn lên thoát nghèo bền vững.  

Già làng Srôi (bìa trái)-làng Đak Trôk, xã Đak Yă vận động bà con tham gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào xây dựng nông thôn mới.
 
Với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Brếp (xã Đak Djrăng), ông Vôt thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con không vượt biên, không phá rừng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. 
 
Để làm gương cho dân làng, ông Vôt tích cực phát triển kinh tế gia đình. Hiện gia đình ông đang nuôi 12 con bò, 4 con dê, trồng 4 ha cao su, 2 ha cà phê; bình quân mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.
 
Tại làng Brếp, già làng Tơn (thứ 2 từ phải sang) cũng không quản ngại nắng mưa đến từng hộ vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Ông cũng tích cực vận động bà con xây dựng làng Brếp trở thành làng đầu tiên của huyện Mang Yang đạt chuẩn nông thôn mới. 
 
Bà Đinh Thị Her-người có uy tín ở thôn 2, xã Ayun-đã vận động dân làng vay vốn phát triển sản xuất; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, lễ hội…; tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, nêu cao tinh thần đoàn kết. Nhờ đó, nhiều năm liền, trên địa bàn thôn 2 không xảy ra vi phạm pháp luật về tôn giáo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.
 
Tại làng Kdung (xã Hà Ra), ông Y Thành (bìa trái) đã vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin, không làm theo lời xúi giục, lôi kéo của kẻ xấu, không tham gia tà đạo "Hà Mòn"… Qua đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đã được đảm bảo.
 
Ông Djin-Trưởng thôn Đak Trôk (xã Đak Yă) luôn nỗ l tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi trâu, bò để nâng cao thu nhập. Ông cũng vận động nhân dân hiến đất, công lao động để làm 2 km đường bê tông nội làng. Đến nay, 90% tuyến đường trong làng đã được bê tông hóa giúp bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
 
Ông Yơp (bìa phải)-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Đê Hrel (thị trấn Kon Dơng) là một điển hình trong phát triển kinh tế gia đình ở làng. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông đã  tích cực vận động dân làng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Đồng thời, ông vận động bà con đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; quan tâm chăm lo việc học hành của con cháu.
ĐỨC THỤY-PHAN LÀI (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm