Phóng sự - Ký sự

Khát vọng phồn vinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.

Sáng 30-4-1975, chúng tôi rời nơi lao động ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội về lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau nửa tháng làm công việc nạo vét đê sông Đáy. Khi đó, sinh viên đi lao động tập trung là góp phần xây dựng đất nước.

Đất nước ngày càng thay da đổi thịt

Đến ga Giáp Bát, xe chúng tôi không thể di chuyển được nữa bởi dòng người đổ về Hà Nội với niềm hân hoan không thể tả xiết: Đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất. Từ nay, Việt Nam là một chỉnh thể quốc gia với đầy đủ vùng lãnh thổ (đất, trời, biển và hải đảo) của một đất nước thống nhất có chủ quyền.

Thế hệ chúng tôi không thể nào quên những mất mát, hy sinh trong cuộc chiến tranh với đế quốc Mỹ để thống nhất đất nước. Nhiều gia đình đã để lại con em của mình ở khắp vùng chiến trường Trung và Nam Bộ. Hòa bình đã lập lại gần 50 năm nhưng cho đến nay, vẫn còn nhiều gia đình không nhận được dù chỉ một thông tin chính xác về nơi chôn cất con em họ.

Thế hệ trẻ hôm nay được kỳ vọng đóng góp nhiều công sức để làm giàu cho đất nước. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Thế hệ trẻ hôm nay được kỳ vọng đóng góp nhiều công sức để làm giàu cho đất nước. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Đất nước ta đã trải qua những thời kỳ gian khó để giành độc lập dân tộc, các thế hệ ngày nay không được quyền quên điều đó. Độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là niềm mơ ước, là nguyện vọng, ý chí của dân tộc Việt Nam. Ý chí đó đã được thể hiện bằng muôn vàn hành động yêu nước trong lịch sử dân tộc.

Đã gần 50 năm sau khi nước nhà thống nhất, nhìn lại chặng đường đó, mọi công dân Việt Nam đều thấy rõ những thay đổi vô cùng lớn lao ở khắp mọi vùng Tổ quốc. Chúng tôi còn nhớ những năm đầu đất nước thống nhất, khi vừa tốt nghiệp đại học được phân công công tác tại các tỉnh, thành phía Nam. Lúc đó, gần 20 sinh viên địa lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tốt nghiệp năm 1978 được đến với các vùng đất phía Nam của Tổ quốc, từ phía Nam cầu Hiền Lương đến mũi Cà Mau. Mọi thứ đều bỡ ngỡ với những khó khăn chồng chất tưởng chừng như không thể vượt qua sau niềm vui chiến thắng.

Ai từng sống trong thời kỳ đó hẳn đều nhớ và thấu hiểu những khó khăn diễn ra hằng ngày trong từng miếng ăn, cái mặc. Khó khăn về khả năng sản xuất lương thực đáp ứng nhu cầu về cái ăn của gần 50 triệu dân như là một sự thử thách tột cùng. Song, chúng ta đã vượt qua và tăng trưởng không ngừng trong những năm sau đó.

Những khó khăn về lương thực, tình trạng ngăn sông cấm chợ đã được giải quyết từ sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng lần thứ VI năm 1986. Thời kỳ đổi mới đất nước bắt đầu từ đó, cơ hội đã đến, nhiều khó khăn đã được vượt qua, đất nước ta bước vào một giai đoạn mới, ngày càng thay da đổi thịt.

Vươn tới sự thịnh vượng

Cuộc sống của người dân sau khi đất nước đổi mới đã ngày càng tốt hơn. Sự thay đổi trong sản xuất diễn ra nhanh chóng. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với thành phần kinh tế nhà nước và các thành phần kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp vô cùng lớn cho nền kinh tế đất nước.

Nhớ những năm đầu thập niên 1990, khi việc thiếu điện cục bộ xảy ra thường xuyên, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng đường dây 500 KV Bắc - Nam. Đây là công trình đường dây truyền tải điện năng (điện xoay chiều) siêu cao áp 500 KV đầu tiên tại Việt Nam, có tổng chiều dài 1.487 km, kéo dài từ Hòa Bình đến TP HCM. Khi đường dây truyền tải điện Bắc - Nam hoàn thành sau 2 năm xây dựng thần tốc (ngày 5-4-1992, công trình được khởi công và ngày 27-5-1994 đóng điện vận hành), lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, hệ thống điện đã có "trục xương sống" 500 KV chạy suốt từ Bắc vào Nam.

Thành quả của đổi mới đã đưa đất nước ta lớn mạnh từng ngày. Từ hơn 20 tỉ USD năm 1975, đến nay, GDP của nước ta đã lên đến hơn 430 tỉ USD.

Thành quả của đổi mới đã đưa đất nước ta lớn mạnh từng ngày. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Thành quả của đổi mới đã đưa đất nước ta lớn mạnh từng ngày. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Chúng ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân đất Việt, nhất là thế hệ trẻ. Việc làm giàu cho đất nước phụ thuộc vào sự cố gắng của các thế hệ hôm nay và tương lai. Học tập trong nhà trường phổ thông và đại học là đòn bẩy để chúng ta có thể chinh phục thế giới, đưa đất nước vào hàng ngũ các quốc gia giàu mạnh.

Dân giàu nước mạnh là mong muốn bao đời của dân tộc ta. Vì thế, các thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm làm cho đất nước ngày một phồn thịnh. Dù đã có nhiều tiến bộ nhưng một bộ phận giới trẻ Việt Nam vẫn còn thiếu sự tự tin. Sự tự tin phải bắt đầu bằng niềm tin đối với dân tộc, với Đảng và Nhà nước. Thiếu niềm tin lớn ấy thì sẽ không có niềm tin nhỏ và thiếu đi sự tự tin hằng ngày, tự tin vào bản thân.

Mặt khác, nếu một bộ phận giới trẻ hôm nay rời bỏ quê hương để đến một xứ sở khác có điều kiện hơn cho sự phát triển bản thân thì đất nước còn trông chờ gì ở các bạn? Nhận biết, thấu hiểu thực tế đất nước để cùng nhau chung tay góp sức đưa Việt Nam ngày một lớn mạnh, trở thành một quốc gia hùng cường mới là tư duy tích cực. "Trốn tránh" không phải là cách để các bạn trẻ Việt Nam đưa đất nước ta trở nên hùng cường.

Chúng ta từ lâu đã có độc lập dân tộc. Đất nước ta khá phong phú về tài nguyên khoáng sản và có tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Những lợi thế ấy đã, đang và sẽ ưu đãi chúng ta. Đặc biệt, ngày nay, tài nguyên con người, những tri thức mà họ có được, những kinh nghiệm và nhất là ý chí vươn lên của mỗi công dân, sẽ góp phần định vị vị thế của quốc gia, dân tộc.

Trong hành trình vươn tới tương lai, chúng ta không chỉ đi một mình mà còn có bạn bè. Mọi người dân chân chính trên thế giới đều mong muốn đất nước chúng ta phồn vinh. Tiến trình toàn cầu hóa đã diễn ra vài thập niên; dòng chảy tài chính, kỹ thuật trên thế giới đã "phẳng" hơn...

Toàn cầu hóa không phải là sự ỷ lại mà là hợp tác, nương tựa và cùng nhau phát triển. Bảo vệ độc lập dân tộc không hề mâu thuẫn với toàn cầu hóa. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ được mình và tích cực hội nhập quốc tế khi chúng ta đủ mạnh.

Người Việt Nam vốn chịu khó học hỏi và có tinh thần sáng tạo. Sáng tạo ở từng con người là sẵn có, song để sự sáng tạo ấy phát huy hiệu quả trong cuộc sống thì lại là chuyện khác. Nhà trường cần dạy cho học sinh cách sáng tạo và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, tạo tiền đề để sau này góp phần đưa đất nước phát triển phồn vinh.

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm