Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Mảnh giấy cũ ở An Khê trường: Tài liệu quý về lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong chuyến khảo sát, sưu tầm di sản văn tự Hán-Nôm tại An Khê trường đầu tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã được Ban nghi lễ cho phép xem các giấy tờ được lưu giữ tại đây. Khi hòm sắc phong được mở ra, bên cạnh 3 đạo sắc thần đã được một số người biết đến là sắc phong các năm: 1880, 1909, 1911 thì còn 1 mảnh giấy màu đỏ son ghi 13 dòng chữ được gấp lại nhưng chưa từng được công bố nội dung.
Sự đặc biệt của mảnh giấy đỏ này thể hiện trên những dòng chữ mang thông tin về lịch sử sắc phong của thôn An Khê từ năm 1852 đến 1911. Nội dung văn bản này dịch ra như sau: Ngày 29-11-1851, thời Tự Đức sắc phong ngài Thành Hoàng bậc chi thần và ngài Bạch Mã bậc tôn thần; ngày 24-11-1880, thời Tự Đức sắc phong ngài Bạch Mã bậc thượng đẳng thần và ngài Thành Hoàng bậc chi thần; ngày 1-7-1886, thời Đồng Khánh sắc tặng ngài Bạch Mã bậc thượng đẳng thần và ngài Thành Hoàng bậc tôn thần; ngày 11-8-1909, thời Duy Tân sắc phong ngài Bạch Mã bậc thượng đẳng thần và ngài Thành Hoàng bậc chi thần; ngày 8-5-1911, sắc phong ngài Ngũ Hành Tiên Nương bậc thượng đẳng thần và ngài Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi bậc thượng đẳng thần. Trong đó, theo phân cấp cơ bản thời phong kiến đối với việc phong thần thì “thượng đẳng” là vị trí bậc 1, “trung đẳng” là vị trí bậc 2, “chi thần” và “tôn thần” là vị trí bậc 3.
Như vậy, tính đến thời điểm “Bảo Đại thập nhị niên thập nhất nguyệt sơ cửu nhật” (tức mùng 9-11-1936) ghi cuối bản kiểm kê chữ Nho, khi thống kê thần sắc này, thôn An Khê đã có 5 đạo sắc chính thức được Nhà nước phong kiến trao tặng công nhận tín ngưỡng dân gian đối với các vị thần: Thành Hoàng, Bạch Mã, Ngũ Hành, Thiên Y A Na tại thôn An Khê xưa. Trong đó, sắc thần thời Nguyễn xưa nhất được phong cho thôn An Khê vào năm 1852 niên hiệu Tự Đức năm thứ 5. Tuy đạo sắc này không còn nhưng may mắn là bản danh mục kiểm kê năm 1937 còn lại giúp chúng ta biết được nội dung căn bản của đạo sắc này cũng như đạo sắc năm 1911 hiện đã mất hoàn toàn phần nội dung chỉ còn dòng niên hiệu niên đại.
An Khê trường (Khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh
An Khê trường (Khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh
Liên quan đến bản kiểm kê nói trên, năm 2021, khi tìm hiểu tư liệu thần sắc thần tích ở An Khê, chúng tôi cũng đã tìm được văn bản ghi chép thông tin về sắc thần tại thôn An Khê năm 1937 hiện được lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội (Hà Nội). Văn bản này được viết chủ yếu bằng chữ Pháp có xen vài chữ Nho, gồm 3 trang viết tay và 1 trang đánh máy, chia làm 3 phần: Phần 1, giới thiệu chung về tín ngưỡng dân gian tại Kon Tum có xác nhận của ông Quản đạo Kon Tum lúc bấy giờ. Phần 2 là thông tin trả lời bảng hỏi gồm 10 câu liên quan đến phong tục tín ngưỡng thờ thần thánh tại xã An Khê, tổng An Khê, huyện Tân An, có xác nhận của ông Kiểm học (người phụ trách giáo dục địa phương). Phần 3 là danh mục thống kê niên đại, danh hiệu và thứ bậc các vị thần linh tại làng An Khê, có xác nhận của ông Kiểm học.
Chúng tôi nhờ Tiến sĩ Pascal Bourdeaux (nguyên đại diện phụ trách Văn phòng Viện Viễn Đông Bác Cổ ở TP. Hồ Chí Minh) xem giúp văn bản chữ Pháp này. Có lẽ vì phần viết tay văn bản sao chép nhiều chỗ đã mờ nên Tiến sĩ Pascal đánh máy gửi lại, đồng thời giới thiệu một chuyên gia dịch Pháp văn là cô Mai Trâm thuộc Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh giúp đỡ chúng tôi. Nội dung văn bản chữ Pháp này cũng kê ngày tháng, niên hiệu và tên các vị thần được sắc phong như văn bản chữ Nho (tuy nhiên, có một số khác biệt về ngày tháng giữa bản chữ Pháp này và bản chữ Nho mới phát hiện ở trên, chúng tôi tạm thời chưa lý giải được).
Văn bản chữ Pháp cung cấp một số thông tin quan trọng khác giúp chúng ta biết thêm rằng: Làng An Khê bấy giờ thuộc địa bàn tỉnh/đạo Kon Tum và việc kiểm kê sắc thần tại An Khê là yêu cầu của Bộ Giáo dục Quốc gia (Huế). Tiếc rằng, ghi chép này được đánh giá là “không có gì cụ thể”, bởi nhiều thông tin trong mẫu phiếu điều tra phong tục tín ngưỡng dân gian này đã được điền vào một cách không thật đầy đủ. Thêm một điều tiếc nuối khác là việc kiểm kê thần sắc này mang tính quy mô toàn quốc, nhưng huyện Tân An bấy giờ chỉ thực hiện tại làng An Khê (thực tế vẫn còn nhiều làng nhiều sắc thần tại vùng này không được tiến hành kiểm kê báo cáo). Vì thế, ngày nay, chúng ta không còn căn cứ văn bản nào để xác minh những sắc thần mà dân gian truyền tụng là “từng có nhưng sau mất” vì nhiều lý do.
Văn bản chữ Nho được phát hiện tại An Khê trường có khả năng là một bản sao từ bản thống kê trình cấp trên và nó may mắn còn lại khá nguyên vẹn đến ngày nay, trở thành một tài liệu quý giá giúp chúng ta hiểu được lịch sử sắc phong của thôn An Khê qua các thời kỳ, là căn cứ khoa học cụ thể để biết được những thông tin về những sắc thần đã mất hay không còn nguyên vẹn và làm cơ sở hỗ trợ việc phục chế các sắc phong này.
LƯU HỒNG SƠN

Có thể bạn quan tâm