Mùa trăng được mong chờ và ví là đẹp nhất trong năm, có lẽ là trăng rằm tháng Tám âm lịch, ngày mà đám nhỏ trong nhà háo hức từ hơn một tháng trước. Niềm vui của tụi nhỏ không chỉ là trông chờ cái bánh trung thu vuông hay tròn, mà rộn ràng nhất là những ngày rủ nhau chuốt từng nan tre ngồi làm lồng đèn cho kịp đêm rằm.
Cây tre gần như có mặt ở khắp miền quê Nam bộ, mọc thành từng bụi, cứ thế mà giữ chặt đất quê. Măng non có đủ món ngon để chế biến, còn thân tre hòa vào đời sống, quyện vào từng vách nhà, chuốt thành từng nan mỏng bện thành nia, thúng... Khéo tay nhất trong khâu làm đồ dùng từ tre có thể kể đến làm lồng đèn tre. Từng nan tre được chuốt mỏng vừa đủ độ dẻo, uốn thành lồng đèn ông sao, ai khéo tay hơn thì tạo hình thuyền buồm, con thỏ, con gà, bông sen…
Quán cà phê trang trí lồng đèn tre theo phong cách Trung thu xưa để thu hút khách. Ảnh: L.C.S. |
Giấy kiếng muốn dán cũng phải chăm chút, nương theo từng nan tre để không mất dáng đèn. Đẹp hay xấu, phải thử đốt đèn cầy, độ nóng đủ tỏa khắp đèn để giấy kiếng căng phồng, rồi cân chỉnh lại theo gu thẩm mỹ của từng người. Ai khéo tay thì bắt đầu ngồi vẽ để tạo hình và thêm điểm nhấn cho chiếc đèn.
Cầu kỳ, tỉ mỉ là thế nhưng thời gian chơi đèn cũng chỉ vỏn vẹn vài ngày và vui nhất đêm rằm, khi đám nhỏ trong xóm rủ nhau rước đèn, cười nói chí chóe. Bánh trung thu, trà, bánh có bày ê hề ra đó cũng không hấp dẫn bằng cái đèn trong tay, thi thố với đám bạn coi đèn cầy đứa nào sẽ hết trước, lồng đèn đứa nào đẹp hơn hay đứa nào đốt đèn khéo, giấy kiếng không bị cháy sém… Cứ thế mà đến sáng cũng không hết chuyện, bởi đèn đứa nào cũng đẹp nhất, lung linh nhất, vì trong đó chất chứa cả một trời yêu thương mà người lớn trong nhà dành thời gian chuốt từng nan tre, làm đèn cho sắp nhỏ.
Ký ức chiếc lồng đèn tre hẳn quen thuộc với lứa 8X về trước, hoặc những bạn 9X có tuổi thơ gắn liền với những miền quê nhiều hơn. Trong nhịp sống hiện đại nơi thị thành, lồng đèn tre cạnh tranh với đủ kiểu đèn điện tử có nhạc đi kèm, hình ảnh chuyển động theo tiếng nhạc và ánh sáng đèn led đổi màu liên tục. Chiếc lồng đèn tre dường như thuộc về hoài niệm cùng mảnh quê nhiều hơn.
Đêm rằm tháng Tám, ở đâu cũng là trăng, chỗ nào cũng là Trung thu nhưng Trung thu của miền ký ức, mảnh trăng quê hiền hòa biết mấy. Khi gia đình ngồi bên nhau đợi vầng trăng tròn lên cao, pha bình trà nóng cùng chút bánh là đủ hương vị lẫn những cung bậc yêu thương. Ngồi nhìn tụi nhỏ rước đèn và nhìn chúng lớn lên qua từng ngày, từng mùa trăng…
Trung thu của nhịp sống hiện đại cũng nhiều lựa chọn, người ta có hẳn con phố lồng đèn để phục vụ người trẻ chụp hình, đủ phụ kiện màu sắc… Con đường nhỏ và ngắn thôi, nhưng phải trang trí làm sao để chụp 10 tấm hình thì phải hết 9 tấm thật lung linh, mới mong năm sau còn khách đến hay bán được đèn. Và chiếc đèn hiện đại, lắm lúc giá tới bạc triệu vẫn rộn ràng khách tìm đến, lồng đèn tre khó mà cạnh tranh cho kịp trong những không gian sang trọng mà đôi khi có phần xa cách này.
Người ta hay nói - kẻ hoài niệm thường nhớ ký ức xưa, nhưng điều đã cũ hẳn cũng có một giá trị đáng để người ta lưu luyến. Mảnh trăng quê, chiếc lồng đèn trở thành một phần trong thơ ấu của nhiều người, lớp ký ức còn nguyên vẹn sự ngây thơ, háo hức chờ rước đèn đêm trăng rằm...
Theo thị hiếu của người tiêu dùng đương thời, lồng đèn tre hẳn lép vế từ kiểu dáng đến những tính năng tích hợp trong đó, nhưng giá trị ở chỗ người ta tỉ mẩn chuốt thủ công từng nan tre để tạo hình. Chiếc đèn mộc mạc, quê mùa, nhưng để ra được hình dạng cũng kỳ công. |
Theo THANH DƯƠNG (SGGPO)