(GLO)- Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 13-9, một vụ cướp táo tợn đã xảy ra tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam ở xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Những hình ảnh camera an ninh ghi lại cho thấy, vào thời điểm trên, một người đàn ông bịt mặt cầm theo một vật giống súng xông vào Phòng Giao dịch đe dọa bảo vệ, khống chế nữ nhân viên rồi yêu cầu bỏ tiền vào túi ni lông của hắn. Sau khi lấy đi gần 1 tỷ đồng, đối tượng này đã lên xe máy tẩu thoát. Toàn bộ diễn biến vụ cướp chỉ kéo dài chưa đầy 2 phút. Đến nay, Công an vẫn chưa bắt được đối tượng này.
Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ cướp ngân hàng ở H.Châu Thành, Tiền Giang. (ảnh nguồn: thanhnien) |
Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 5-9, một vụ cướp với thủ đoạn tương tự đã xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Vào thời điểm trên, đối tượng Trần Hoàng Nhật Hùng (36 tuổi) và Đàm Minh Quang (30 tuổi, cùng trú tại phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) chở nhau bằng xe máy đến ngân hàng. Tới nơi, một tên đứng ngoài, tên còn lại cầm súng tiến vào bên trong ngân hàng đe dọa các nhân viên tại đây rồi lấy đi gần 4,5 tỷ đồng. Chỉ hơn 1 ngày sau khi gây án, Quang và Hùng đã bị cơ quan Công an bắt giữ. Khám xét nơi ở của 2 đối tượng, cơ quan Công an đã thu giữ 3,7 tỷ đồng cùng nhiều khẩu súng. Quang và Hùng khai đã lên kế hoạch cướp ngân hàng từ 4 tháng trước.
Không phải đến bây giờ ở nước ta mới xảy ra các vụ cướp ngân hàng. Chỉ tính từ cuối năm 2016 đến nay, hàng chục vụ cướp ngân hàng đã xảy ra ở các tỉnh, thành phố như: Vĩnh Long, Đak Lak, Bắc Giang, Đồng Nai, Trà Vinh, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, TP. Hồ Chí Minh. Trong hầu hết các vụ án này, thủ phạm đều sử dụng súng, vật giống súng hoặc đe dọa có mìn, thuốc nổ để khống chế bảo vệ, nhân viên ngân hàng và gần như không gặp phải sự kháng cự nào.
Thành ngữ Việt Nam có câu “Mất bò mới lo làm chuồng”. Nhưng nhìn vào thực tế công tác đảm bảo an ninh ở các ngân hàng thời gian qua thì có thể thấy, nhiều đơn vị, nhất là các phòng giao dịch, chi nhánh nhỏ vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc “làm chuồng” ngay cả khi xung quanh đã có nhiều nơi “mất bò”. Dường như với một số lãnh đạo ngân hàng, cướp ngân hàng chỉ là chuyện xảy ra trên những thước phim của Hollywood. Hoặc giả, nói như nhà văn Nam Cao trong truyện “Chí Phèo”, những người này nghĩ chắc cướp… “nó trừ mình ra”. Nhưng kẻ cướp thì có bao giờ suy nghĩ phải “trừ ra” chỗ nào. Vậy nên, những ngân hàng mà công tác đảm bảo an ninh còn có lỗ hổng rất lớn đều dễ trở thành “miếng mồi” để kẻ cướp nhắm đến. Như trong 2 vụ cướp ngân hàng mới đây nhất tại Khánh Hòa và Tiền Giang, chứng kiến thủ phạm dễ dàng vô hiệu hóa lực lượng bảo vệ để thực hiện hành vi phạm tội, ai cũng thấy công tác đảm bảo an ninh ở đó kém thế nào.
Việc các vụ cướp ngân hàng liên tiếp xảy ra với mức độ hết sức nghiêm trọng cho thấy, công tác đảm bảo an ninh của ngành Ngân hàng và từng đơn vị trong hệ thống phải được rà soát, đánh giá lại thật nghiêm túc. Trong đó, việc đầu tiên là nâng cao hơn nữa nhận thức của lãnh đạo ngân hàng đối với công tác đảm bảo an ninh, phòng-chống tội phạm tại đơn vị mình quản lý. Bởi một khi lãnh đạo không quan tâm, hoặc quan tâm không đúng mức đến công tác này thì nguy cơ bị cướp rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần nâng cao năng lực, trách nhiệm cho lực lượng bảo vệ. Đây là điều hết sức quan trọng vì trong hầu hết các vụ cướp ngân hàng đã xảy ra, lực lượng bảo vệ gần như không thể hiện được các kỹ năng xử lý tình huống cần thiết mà công việc của họ đòi hỏi. Ngoài ra, các ngân hàng cần quan tâm đến việc xây dựng được phương án phòng-chống cướp, tổ chức diễn tập tình huống cho lực lượng bảo vệ và nhân viên để họ làm quen, từ đó biết cách xử lý tốt nhất khi có sự việc xảy ra.
Liên quan đến công tác bảo đảm an ninh tại các ngân hàng không thể không nhắc đến trách nhiệm của ngành Công an trong việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đây chính là công cụ mà hầu hết các đối tượng sử dụng thời gian qua để cướp ngân hàng. Nếu không có súng, vật liệu nổ, các đối tượng cướp sẽ không dám manh động, liều lĩnh như vậy. Khi kẻ cướp không có súng hay vật liệu nổ, lực lượng bảo vệ các ngân hàng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc ngăn chặn, khống chế. Vì thế, quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không để rơi vào tay tội phạm cũng là cách để phòng ngừa các vụ cướp ngân hàng.
Vĩnh PHúc