Bạn đọc

Mặt đường biến thành… ao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ sau một cơn mưa, đoạn đường Phạm Ngọc Thạch (phường Yên Thế-TP. Pleiku) đã xuất hiện hàng trăm vũng nước chi chít trên mặt đường. Có những đoạn, mặt đường nhựa sụt lún biến thành ao nước. Tình trạng này diễn ra đã lâu, ảnh hưởng đến giao thông đi lại và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
 

 Mặt đường nhựa sụt lún biến thành ao nước. Ảnh: Trần Dung
Mặt đường nhựa sụt lún biến thành ao nước. Ảnh: Trần Dung

Đoạn đường Phạm Ngọc Thạch nối từ đường Lê Đại Hành đến đường Hà Huy Tập. Con đường là cầu nối giao thông quan trọng của nhiều hộ dân thuộc tổ dân phố 15, 16, 17 (thuộc phường Yên Thế-TP. Pleiku). Hàng ngày luôn có một lượng lớn người và xe lưu thông trên tuyến đường. Thế nhưng, sau nhiều năm khai thác sử dụng, do mặt đường nhỏ hẹp cộng với sự xuống cấp nghiêm trọng của kết cấu đường đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tham gia giao thông của người dân cũng như cuộc sống của các hộ dân ở gần con đường này. Hầu hết mặt đường nhựa đã bị sụt lún, tạo thành những hố sâu gây mất an toàn giao thông. Vào mùa khô, bụi đường mù mịt gây ô nhiễm môi trường, còn mỗi khi mưa xuống, nhiều hố sâu đọng nước, tạo thành những cái “bẫy” rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Nhiều người dân tham gia giao thông trên đoạn đường này đều thở dài ngao ngán vì họ luôn phải đối mặt với “điểm đen” mỗi khi mùa mưa đến. Ông Nguyễn Thân (người dân sống bên đoạn đường Phạm Ngọc Thạch), cho biết : “Tình trạng này xảy ra là do thời tiết, phần nữa do đường nhỏ mà lại có quá nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng chạy qua nên con đường bị “cày” nát, bong tróc hết cả. Lần đầu chỉ là những lỗ nhỏ, sau sụt lún dần, loang ra thành những hố to. Mưa nước ngập thì không biết đâu là mặt đường nữa”.

Không chỉ ông Thân và những người dân sinh sống xung quanh mà những người thường xuyên phải tham gia lưu thông qua đoạn đường này cũng luôn bị áp lực. Đoạn đường đã phải “còng lưng” gánh chịu sự  tàn phá của hàng loạt xe tải lớn, lên tới vài trăm lượt phương tiện lưu thông mỗi ngày. Mặt đường xuất hiện ngày càng nhiều “ổ trâu”, “ổ gà” để “chứa” nước mỗi khi cơn mưa tới. Ngoài ra, trên đoạn đường này còn có một chiếc cầu tạm đã xuống cấp. “Tôi run nhất mỗi khi đi qua đây. Nhiều lúc trời mưa to, cấu tạm bị chìm nghỉm trong nước, chẳng còn thấy mặt đường mà đi. Qua hết cây cầu lại liên tiếp những ao nước to, nhỏ trên mặt đường. Vì đặc thù công việc nên ngày nào tôi cũng qua lại trên đoạn đường này tới 4 lần. Tâm trạng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ”-bà Tâm (tổ 16, phường Yên Thế-TP. Pleiku) rầu rĩ cho hay.  


 

Trên đoạn đường này còn có một chiếc cầu tạm đã xuống cấp. Ảnh: Trần Dung
Trên đoạn đường này còn có một chiếc cầu tạm đã xuống cấp. Ảnh: Trần Dung

Hàng trăm người dân ngày ngày qua đoạn đường này luôn phải bấm bụng chịu trận, lưu thông luồn lách đủ kiểu, miễn sao qua được. Chị Nguyễn Thị Thùy, (người bán hàng rong) ngán ngẩm: "Tôi thường vào khu vực này bán hàng. Mỗi lần qua đây khổ lắm! Mưa xuống nước đọng lại, nhiều người đi xe máy ngã lăn quay tại những cái ao này. Tôi cũng bị trượt ngã mấy lần. Xe tải đi qua là nước văng lên tung tóe. Người đi đường phải men theo sát bên lề".  

Theo ý kiến của người dân thì ngoài việc sửa chữa, nâng cấp tuyến đường thì các ban, ngành cần chỉ đạo đơn vị chức năng cắm biển báo quy định tốc độ, tải trọng các phương tiện được phép lưu thông. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý để đảm bảo an toàn giao thông.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm