Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến nay, Mặt trận các cấp trong tỉnh đang duy trì triển khai thực hiện có hiệu quả 52 mô hình liên quan đến lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông.
Trong đó có 4 mô hình do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai gồm: “Phát triển chăn nuôi bò sinh sản” tại xã Đak Trôi (huyện Mang Yang); “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” tại xã Thành An (thị xã An Khê), xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) và xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê); “Xây dựng nông thôn mới” tại xã Glar (huyện Đak Đoa) và xã Trà Đa (TP. Pleiku); “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông” tại xã Hà Tam (huyện Đak Pơ), xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh), phường Diên Hồng (TP. Pleiku). Các mô hình còn lại do Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã triển khai nhằm cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương và các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận cấp trên phát động.
Về 9 mô hình đang được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông (huyện Kbang) triển khai thực hiện trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phùng My Ni thông tin: 6 mô hình liên quan đến cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, 3 mô hình còn lại là cụ thể hóa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
“Qua khảo sát tại thôn 3 có một số hộ dân ít đất, thiếu đất sản xuất nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã xây dựng mô hình chuyển đổi nghề để tăng thu nhập bằng cách vận động các hộ xin vào làm công nhân ở các doanh nghiệp. Kết quả, 32 hộ dân đã có người vào làm công nhân khai thác mủ cao su của Công ty TNHH Thảo Nguyên Xanh và các trang trại chăn nuôi ở tỉnh Bình Định. Chúng tôi đang tuyên truyền, vận động và nhân rộng mô hình tại thôn 1, thôn 5”-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông cho hay.
Mô hình “Đàn dê thoát nghèo” do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh triển khai tại xã Ia Khươl. Ảnh: Phương Dung |
Anh Đinh Thái (thôn 3, xã Đông) vui vẻ nói: “Sau khi lập gia đình, vợ chồng mình được bố mẹ cho đất làm nhà nhưng không có đất sản xuất. Do đó, vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Năm 2020, vợ chồng mình xin vào làm công nhân khai thác mủ cao su tại Công ty TNHH Thảo Nguyên Xanh, thu nhập bình quân 8-9 triệu đồng/người/tháng”.
Tương tự, Mặt trận các cấp của huyện Đak Đoa cũng duy trì có hiệu quả các mô hình: “Đóng góp công sức, hiến đất xây dựng nông thôn mới”, “Chuyển đổi cây trồng”, “Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Cồng chiêng, múa xoang”, “Ngăn chặn tình hình sang nhượng, cho thuê đất trái pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện”...
Ông Phan Công Hồng-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Piơm (thị trấn Đak Đoa) cho hay: “Nhiều hộ dân tộc thiểu số trước đây chưa hiểu rõ giá trị, tầm quan trọng của đất đai nên chuyển nhượng, cho thuê kéo dài 10 năm, 20 năm. Ban Công tác Mặt trận thôn phối hợp cùng các chi hội đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích giúp người dân hiểu đất đai có hạn, bán hết rồi thế hệ con cháu sẽ không còn đất để ở; cho thuê đất sản xuất kéo dài nhiều năm không còn phương tiện sản xuất sẽ kéo theo đói nghèo. Nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến, tình trạng chuyển nhượng, cho thuê đất giảm và nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém năng suất sang trồng rau màu, chăn nuôi để tăng thu nhập”.
Ngoài ra, làng còn duy trì đội cồng chiêng, múa xoang thường xuyên tập luyện, tham gia các hoạt động do huyện, tỉnh tổ chức nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Mặt trận và các đoàn thể xã Đông tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ trong ma chay. Ảnh: Phương Dung |
Về hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế, ông Võ Xuân Bảo-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh-cho biết: Từ năm 2018 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã triển khai 4 mô hình chăn nuôi bò sinh sản, đàn heo thoát nghèo, nuôi dê sinh sản, nuôi cá lồng và đều phát huy hiệu quả. Hầu hết các hộ hưởng lợi từ mô hình đã vươn lên thoát nghèo. Riêng mô hình “Đàn heo thoát nghèo” sau khi triển khai tại xã Ia Khươl đã được nhân rộng đến các xã: Ia Ka, Ia Nhin, Nghĩa Hưng.
Trao đổi với P.V, ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-nhấn mạnh: Các mô hình đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Mặt khác, các mô hình cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, từ đó đưa các phong trào, cuộc vận động ngày càng đi vào thực chất, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống người dân.