Xã hội

Đời sống

Tập trung tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai phấn đấu có 10 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Xung quanh việc thực hiện chương trình này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

* P.V: Qua hơn 12 năm triển khai xây dựng NTM, Gia Lai đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa ông?

Ông Lưu Trung Nghĩa. Ảnh: Lê Nam

Ông Lưu Trung Nghĩa. Ảnh: Lê Nam

- Ông LƯU TRUNG NGHĨA: Chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Cụ thể, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng được hoàn thiện, kể cả ở xã vùng sâu, vùng xa; môi trường, cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp hơn; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn; an ninh chính trị được giữ vững. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị từng bước được thu hẹp.

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực. Công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định và hình thành được nhiều vùng chuyên canh phát huy lợi thế của tỉnh, dần đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Các hợp tác xã đã phát huy vai trò liên kết hộ nông dân với nhau và kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển nhanh chóng, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 311 sản phẩm OCOP được công nhận (49 sản phẩm 4 sao và 262 sản phẩm 3 sao) đưa Gia Lai là một trong những tỉnh làm tốt nhất chương trình này trong cả nước.

Đặc biệt, năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện chỉ thị này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều tập tục của người dân từng bước được thay đổi theo hướng văn minh; nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng làng NTM bước đầu đã được hình thành và mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện ý thức làm chủ của người dân trong việc tham gia xây dựng NTM.

Đến nay, tỉnh đã có 91/182 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 50%), 3 địa phương cấp huyện (TP. Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 125 thôn, làng đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 14,55 tiêu chí/xã.

* P.V: Với điểm xuất phát thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, tỉnh đã có những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thưa ông?

- Ông LƯU TRUNG NGHĨA: Thời điểm năm 2011, khi bắt đầu chương trình xây dựng NTM, bình quân cả tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 3 tiêu chí/xã. Ngoài ra, đây là chương trình mới, khối lượng công việc nhiều về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, thiết chế văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị... trong thực hiện phải vừa làm vừa nghiên cứu rút kinh nghiệm, bổ sung từ thực tiễn. Bên cạnh đó, địa bàn tỉnh rộng, dân cư vùng nông thôn ở phân tán, các thiết chế về hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa còn thiếu thốn, đòi hỏi nguồn đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước. Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến khu vực nông thôn. Giá cả đầu vào vật tư nông nghiệp tăng trong khi đầu ra sản phẩm không ổn định đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Nguồn lực để thực hiện chương trình chủ yếu từ ngân sách nhà nước, việc huy động từ các nguồn khác còn hạn chế, nhất là từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư còn khó khăn. Các xã đã đạt chuẩn NTM đều ở địa bàn tương đối thuận lợi. Số còn lại là các xã còn nhiều khó khăn và khó đạt chuẩn NTM.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đó, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như: Nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu trong xây dựng NTM. Triển khai theo cơ chế đặc thù để giảm chi phí đầu tư của các công trình (để người dân tự làm các công trình không yêu cầu kỹ thuật phức tạp và người dân tự thảo luận, tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của xây dựng NTM). Huy động tối đa và lồng ghép các nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Triển khai hiệu quả các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực; tổ chức đào tạo nghề tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM; xây dựng các cơ chế, chính sách để ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ phù hợp, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp… Triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ trung ương, ngân sách tỉnh, huyện và xã để xây dựng NTM; lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án hỗ trợ đang được triển khai trên địa bàn; kêu gọi sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, vốn đóng góp của Nhân dân bằng đất đai, ngày công lao động và bằng tiền theo từng hạng mục công trình cụ thể. Các địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn NTM cho từng xã với lộ trình cụ thể, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị gắn với từng tiêu chí xây dựng NTM để hoàn thành mục tiêu đã đăng ký.

Xây dựng làng nông thôn mới góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Ảnh: Đ.T

Xây dựng làng nông thôn mới góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Ảnh: Đ.T

* P.V: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu có 10 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Vậy tỉnh sẽ tập trung triển khai như thế nào để đạt mục tiêu đó, thưa ông?

- Ông LƯU TRUNG NGHĨA: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta phấn đấu có 10 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ NTM. Trong đó, TP. Pleiku, thị xã An Khê, Ayun Pa đã hoàn thành xây dựng NTM thì tiếp tục duy trì đạt chuẩn theo quy định của giai đoạn 2021-2025 và có thêm 7 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Kbang, Đak Pơ, Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, Ia Grai, Đak Đoa). Ngoài ra, tỉnh phấn đấu có 124 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 402 thôn, làng đạt chuẩn NTM (trong đó có 318 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số).

Để đạt được mục tiêu này, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân, nhất là nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng NTM; tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét hơn tới từng thôn, làng, hộ gia đình và mỗi người dân sinh sống ở nông thôn; thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân ra diện rộng. Tiếp tục rà soát và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ xây dựng NTM; thực hiện lồng ghép hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn; huy động tối đa nguồn lực của địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện; cần xây dựng chương trình tín dụng chính sách xã hội đặc thù hỗ trợ cho các địa phương xây dựng NTM và triển khai Chương trình OCOP, nhất là ở thôn, làng. Tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM.

Tuy nhiên, bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu hơn, mức quy định đạt chuẩn cao hơn. Cụ thể, tiêu chí thu nhập quy định mức đạt chuẩn cố định rất cao so với khả năng của các xã nên cần đề xuất quy định khoảng thu nhập cho địa phương; tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn trước không tính tỷ lệ hộ cận nghèo nhưng giai đoạn này gồm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo; chỉ tiêu thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương nên nhiều xã chưa thực hiện được; chỉ tiêu để đạt chuẩn xã NTM phải có 10% và xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải có từ 35% số hộ sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung nhưng qua rà soát, toàn tỉnh chỉ có 47/182 xã đạt...

Trước thực tế trên, Gia Lai đã đề xuất với Trung ương và các bộ, ngành không quy định mức đạt chuẩn cố định cho tất cả các xã mà quy định khoảng thu nhập đạt chuẩn cho địa phương để áp dụng theo từng vùng; không nên quy định các tỉnh Tây Nguyên mật độ dân số thưa phải có công trình cấp nước tập trung mà nên quy định về tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn TCVN về nước sạch; không quy định tỷ lệ hỏa táng đối với các địa phương không có cơ sở hỏa táng trong xây dựng xã NTM nâng cao; không quy định tiêu chí hộ nghèo đồng nhất chung theo từng vùng mà giao UBND tỉnh quy định cụ thể theo từng đối tượng để phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, đối với các xã vùng III sau khi đạt chuẩn NTM tiếp tục được hưởng các chính sách bảo hiểm y tế thêm 3 năm.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm