Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - bị cáo Trần Văn Tân. Ảnh: Nam Hùng |
Ông Trần Văn Tân bị cáo buộc đã nhận hối lộ 5 tỉ đồng trong quá trình ra chủ trương cách ly y tế tại Quảng Nam, bị VKS đề nghị xử phạt 8-9 năm tù.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Trần Văn Tân nói: "Tôi đã nhận thức hành vi của bản thân là hoàn toàn sai, tôi thừa nhận trách nhiệm và đã khắc phục được 3/4 hậu quả. "Trót vì tay đã nhúng chàm. Dại rồi còn biết khôn làm sao đây"... - ông Tân nói.
Việc xét xử đang diễn ra và còn kéo dài nhiều ngày tới, với các phiên chất vấn, bào chữa, luận tội... Mọi quyết định đúng sai, sẽ do HĐXX phán định. Mức án sẽ thích ứng với từng bị cáo, từng hành vi phạm tội.
Nhưng dư luận, người dân không chỉ quan tâm đến diễn biến vụ án, đến các hình phạt có thích đáng đối với các bị cáo hay không, mà còn "soi" rất kỹ thái độ, tư cách của họ - vốn là những cán bộ, công chức Nhà nước.
Bị cáo Trần Văn Tân từng khai trước tòa (ngày 12.7) rằng: "Sau lần nhận tiền đầu tiên, tôi đã thấy mình sai, nhưng chưa kịp trả lại". Và bị cáo này đã có lần nhận thứ 2, thứ 3... rồi đến 9 lần nhận hối lộ, với tổng số tiền 5 tỉ đồng. Rõ ràng, bị cáo Trần Văn Tân đã có cơ hội để làm điều đúng đắn, sau lần nhận hối lộ đầu tiên, nhưng đã tự mình đánh mất. Để bàn tay liên tục nhúng chàm và không bao giờ rửa sạch được nữa.
Vẫn biết, tự vượt qua lòng tham, sự cám dỗ là rất khó. Và "Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần" (Tố Hữu). Nhưng ông Tân đã chưa kịp "khôn" sau vài lần dại đầu, chưa thức tỉnh kịp thời để rồi phải có ngày hôm nay, đứng trước tòa với tương lai mù mịt.
Biết sai hoàn toàn, nhưng "tay đã trót nhúng chàm" rồi thì muốn sửa sai không dễ. Bây giờ với ông Tân và 53 bị cáo khác trong vụ án chuyến bay giải cứu có muốn sửa cũng không được. Cơ hội tự sửa sai của họ đã qua rồi.
Không chỉ mất địa vị xã hội, mà họ đã mất tự do, danh dự, mất hình ảnh trong mắt mọi người, làm ảnh hưởng đến cả tương lai của con cái, gia đình... Một dãy hậu quả sẽ xảy ra nghiêm trọng. Dù có thành tâm, ân hận, cúi đầu nhận tội cũng không còn kịp nữa.
Dẫu vậy, ông Tân lẩy 2 câu Kiều trước tòa cũng tạo ra nhiều cảm xúc, sự chia sẻ.
Vấn đề không chỉ đọc thơ, lẩy Kiều dễ nghe hơn khóc lóc, van xin trước tòa, hay nhu nhược nhận tội kiểu hèn nhát, để mong được khoan hồng... mà đó còn là một thái độ ân hận, sám hối muộn màng, biết hối cải. Một hành động thừa nhận sai lầm, phạm tội và chấp nhận án phạt, chấp nhận số phận...
Chỉ có thức tỉnh, tự thấm nỗi đau mất tự do, mất danh dự, mất cả tương lai, ảnh hưởng đến gia đình, vợ con... thì mới có thể nhớ, lẩy được 2 câu Kiều đúng với hoàn cảnh mình, giữa một phiên toà đang treo án tử như vậy.
Hai câu Kiều này còn có ý nghĩa thức tỉnh, cảnh báo cho những người khác, những cán bộ, công chức Nhà nước, hãy nhìn vào đây để mà làm bài học cho mình, để giữ gìn nhân cách, tư cách một cán bộ công chính, không nhận hối lộ, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.