Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Màu sương sớm mây chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các cư dân sinh sống ở nhiều vùng trên đất nước ta sớm biết đến nghề trồng bông dệt vải. Bông vải và sợi bông là sắc màu thân quen của cuộc sống buôn làng. Màu bông vải trắng muốt như sương sớm mây chiều dệt nên bức tranh tươi đẹp của núi rừng, điểm tô cho sắc phục của từng dân tộc.
Đồng bào dân tộc thiểu số thường trồng bông xen với lúa hoặc trồng riêng thành từng đám trên rẫy. Ngày tỉa lúa, họ lấy một số hạt giống bông vải trộn lẫn vào lúa giống và gieo chung với nhau. Khi lúa mọc, cây bông vải cũng lên theo. Đến khi làm cỏ lúa, họ tỉa bớt cây bông vải cho chúng thưa ra, khỏi chèn ép lúa. Cuối mùa, thu hoạch lúa xong, cây bông vải bắt đầu nở bông, họ đi hái bông vải về phơi nắng cho thật khô rồi bỏ vào gùi hoặc bao tải để bảo quản. Lúc nông nhàn, đồng bào thường lấy bông ra phơi nắng, tiến hành các công đoạn chế biến sợi. Trước tiên là tách hạt khỏi quả bông vải, đánh tơi bông, cuốn vào que tre để chuẩn bị quay sợi. Rồi họ se bông thành sợi, cuốn sợi thành từng vòng để nhuộm, phơi rồi tiếp tục cuốn thành từng búp.
Ảnh 1 Phụ nữ dân tộc Cơ Tu đang bật bông vải cho tơi xốp trước khi kéo sợi
Phụ nữ dân tộc Cơ Tu bật bông vải cho tơi xốp trước khi kéo sợi. Ảnh: Tấn Vịnh
Qua nhiều công đoạn, bà con đã tạo được nguyên liệu cơ bản nhất là sợi, có thể sử dụng trực tiếp để dệt. Sau đó tìm những nguyên liệu tạo màu để làm cho sợi từ đơn sắc trở thành các màu đặc trưng, độc đáo mang đậm sắc thái dân tộc. Riêng màu trắng thì thường lấy vỏ ốc nướng chín giã thành bột và nhuộm sợi. Trước đây, một số dân tộc ở Trường Sơn-Tây Nguyên cũng thường dùng sợi chưa nhuộm màu để dệt nên những chiếc khố, chiếc váy trơn, không hoa văn. Đây là trang phục của người nghèo, không có khả năng sắm sửa, làm đẹp cho mình. Bất đắc dĩ lắm họ mới mặc váy, khố trơn. Về sau, họ chú trọng đến kiểu dáng, màu sắc, hoa văn thể hiện bản sắc, thị hiếu thẩm mỹ của từng tộc người. Tuy nhiên, màu nguyên thủy của sợi bông cũng được giữ lại để phối, tạo hoa văn, làm tua rua ở mép và đầu hoặc đuôi tấm vải. Sợi vải màu trắng là nguyên liệu chính dùng dệt nên chiếc áo, tấm váy, chiếc khăn, chiếc khố. Trang phục truyền thống của nhiều tộc người ở vùng Tây Nguyên như Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, Rơ Măm… có màu trắng là chủ đạo. Đặc biệt, váy áo truyền thống của người Mạ thì màu trắng là màu nền điểm xuyết những hoa văn đỏ, vàng, xanh. Màu trắng bao trùm nhưng không đơn điệu nhờ những đường nét, hình khối hoa văn biến ảo, xinh xắn mang nhiều ý nghĩa, biểu trưng độc đáo, thể hiện thế giới quan, thẩm mỹ quan của tộc người.
Trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Tu có 3 màu nổi bật: trắng, đen, đỏ. Màu trắng của sợi bông đã được nhuộm chàm làm nền, thay vào đó là những hạt cườm màu trắng nổi lên trên nền thổ cẩm. Nét chấm phá của hoa văn bằng cườm nhựa trắng và bằng sợi bông vải trên nền thổ cẩm toát lên vẻ lung linh hài hòa trong bộ trang phục truyền thống Cơ Tu. Một chi tiết khá độc đáo là trên chiếc áo chui đầu của phụ nữ Cơ Tu trước đây, nhất là ở các cụ bà, thường có hai cánh tay giả màu trắng gắn vào hai bên bờ vai, buông xuống đến tận cổ tay. Kiểu tay áo này rất giống với phong cách trang phục của dân tộc Bahnar ở Gia Lai. Có người còn cho rằng, màu trắng trên tay áo của dân tộc Cơ Tu chịu ảnh hưởng của trang phục Chăm, một tộc người trong quá khứ có quan hệ về giao thương với các tộc người trên nguồn.
Trang phục truyền thống của dân tộc Mạ có màu trắng là chủ đạo. Ảnh: Tấn Vịnh
Trang phục truyền thống của dân tộc Mạ có màu trắng là chủ đạo. Ảnh: Tấn Vịnh
Ngoài váy áo, tấm thổ cẩm làm bằng sợi bông trắng là bộ phận không tách rời trong trang phục các dân tộc. Phụ nữ dân tộc Mảng mang tấm vải trắng bao bọc thân mình từ ngực đến ngang đùi. Tấm vải vừa giúp làm đẹp vừa giữ ấm thân thể vào mùa đông. Người Mường có tấm vải trắng làm cạp váy, bao quanh eo hông, làm điểm nhấn nét đẹp nữ tính. Người Cơ Tu, Tà Ôi có sợi dây dài buộc tóc, thắt ngực dệt bằng sợi bông có màu trắng sữa dịu dàng. Đặc biệt, các tộc người như Mường, Thái, Lào, Khơ Mú… chẳng những dùng sợi bông dệt vải mà còn sử dụng nó như món trang sức. Họ lấy sợi bông màu trắng cuộn thành bó dài từ một đến vài mét để làm dây lưng, dây thắt eo. Chất liệu mộc mạc, đơn sơ nhưng tạo ra nét độc đáo, ấn tượng về cách thức trang điểm, làm nên vẻ đẹp của các cô gái miền sơn cước.
Cây bông gắn bó với tập quán, truyền thống ăn mặc của các dân tộc. Sắc màu trắng trong, thuần khiết của bông vải dệt nên bức tranh di sản văn hóa tộc người. Đây là màu gốc, nguyên bản, từ khi con người biết trồng bông, chế biến sợi và sáng tạo ra các loại hình trang phục truyền thống. Phục hồi cây bông vải, giữ gìn nghề dệt truyền thống, lưu giữ sắc màu cổ điển từ ngàn xưa cũng góp phần quan trọng bảo tồn tinh hoa di sản văn hóa tộc người.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm