Điểm đến Gia Lai

Màu xanh trên vùng đất chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, dấu tích chiến tranh trên con đường 7 huyền thoại năm xưa giờ đã nhạt nhòa. Những địa danh như: cầu Klúi, cầu Cây Sung, đèo Tô Na, sông Bờ… một thời gieo rắc nỗi kinh hoàng cho kẻ thù giờ đã trở thành vùng đất trù phú.

 

Ký ức vùng đất chết

Ông Hoàng Lâm-nguyên Bí thư Huyện ủy Ayun Pa sau ngày giải phóng vẫn còn nhớ như in thời khắc lịch sử hào hùng của 45 năm về trước.

Lúc đó, cả Tây Nguyên hừng hực khí thế cách mạng sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Tàn quân ngụy buộc phải rút xuống đồng bằng thông qua con đường duy nhất là đường 7 với mục đích co cụm lực lượng ở Phú Yên, từ đây đối phó với các mũi tiến công của ta và tìm cơ hội phản công chiếm lại Tây Nguyên. Hơn 15.000 tên địch thuộc Quân đoàn 2-Quân khu 2 ngụy dắt díu theo vợ con tháo chạy khỏi Pleiku, kéo theo hàng chục ngàn người dân cũng hoảng loạn giẫm đạp tìm cách thoát xuống đồng bằng qua ngả đường 7.

Thôn Trường buôn Thức Nay Hly ngồi giữa trò chuyện với dân làng về cách làm ăn. Ảnh: Đức Phương
Thôn trưởng buôn Thức Nay Hly ngồi giữa trò chuyện với dân làng về cách làm ăn. Ảnh: Đức Phương



Ông Hoàng Lâm khi ấy là Bí thư Ban cán sự Huyện ủy H37 (tỉnh Đak Lak) đã tổ chức lực lượng địa phương phối hợp với Sư đoàn 320 tiến hành truy kích địch trên đường 7. Ông Lâm kể, ác liệt nhất là trận truy kích địch trên đoạn đường dài chừng 10 km từ cầu sông Bờ đến chân đèo Tô Na thuộc địa phận thị xã Hậu Bổn (tỉnh Phú Bổn dưới chế độ cũ). Đây là đoạn đường hiểm yếu, một bên là vách núi cao, một bên là sông sâu. Một lượng lớn người dân, binh lính chen lấn, giẫm đạp lên nhau dẫn đến tắc nghẽn cả lòng sông mùa khô, tràn lên cả những cánh rừng ven đường.

Từ sáng 16-3-1975, máy bay trực thăng của địch đã bay đầy trời rải truyền đơn tuyên truyền, xúi giục nhân dân di tản theo chúng. Dưới mặt đất, bọn ngụy quyền và binh lính xua đuổi nhân dân đi trước làm bia đỡ đạn hòng gây sức ép ngăn cản sự truy kích của bộ đội ta. Quân địch đốt nhà, bắn giết những người dân chống đối không tháo chạy theo chúng…

Phát hiện sự di chuyển của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã lệnh cho Sư đoàn 320 thần tốc cắt rừng từ Đak Lak qua chiếm lĩnh các núi cao, bao vây khu vực Cheo Reo-Phú Bổn để truy kích, tiêu diệt địch, không cho địch tháo chạy về Duyên hải miền Trung.

Mờ sáng 18-3, lực lượng của ta bao vây khu vực Cheo Reo-Phú Bổn. Trong 2 ngày 18 và 19-3, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra ở Trại Ngô Quyền, Sân bay Phú Bổn, cầu Sông Bờ, cầu Cây Sung, đèo Tô Na… Khi ta đánh sập cầu Sông Bờ không cho địch quay trở lại Pleiku thì hàng ngàn xe máy và phương tiện quân sự cùng toàn bộ binh lính địch bị dồn ứ trên đoạn đường chừng 10 cây số. Xe pháo chồng chất, khói lửa ngút trời, xác binh lính địch chồng chất khắp nơi. Đường 7 trở thành “tử địa”, nơi đặt dấu chấm hết cho toàn bộ Quân đoàn 2-Quân khu 2 ngụy tại chiến trường Tây Nguyên.

Ông Hoàng Lâm nhớ lại: “Đến 12 giờ ngày 19-3-1975, Sư đoàn Bộ binh 320 của ta đã làm chủ chiến trường, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Bổn. Phát triển chiến dịch xuống thị xã Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 22.600 tên địch; bắt sống Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm-phụ tá chỉ huy cuộc tháo chạy trên đường 7; phá tan âm mưu co cụm về đồng bằng của địch; đồng thời kết thúc thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên”.

Mùa vàng trên chiến địa

Xuôi đường 7 giữa những ngày tháng 4 lịch sử này, dừng chân nơi đâu ta cũng cảm nhận được niềm hân hoan của người dân ngày được mùa. Phía bên kia cầu Sông Bờ, trên vùng chiến địa năm xưa, cánh đồng lúa hơn 100 ha đang vào độ chín.

 Người dân xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) thu hoạch lúa. Ảnh: Đ.P
Người dân xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) thu hoạch lúa. Ảnh: Đ.P


Ông Rô Beng (buôn Ma Knik, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) say sưa ngắm chiếc máy gặt lúa nổ rền sát chân cầu. Ngày trước, khu vực này là buôn Khăn. Sau trận chiến đường 7-Sông Bờ năm 1975, cả vùng rẫy này tan tác hết, buôn cũng phải dời sang vị trí mới. Sau đó, chính quyền san ủi thành cánh đồng lúa hơn 100 ha. “Lúa ở đây có nước thủy lợi Ayun Hạ nên tốt lắm. Cứ nhìn cánh đồng rộng bát ngát, vàng ươm thế này, không ai nghĩ đây từng là chiến địa chất đầy xác giặc”-ông Rô Beng nói.

Cách đó chừng 7 cây số, cánh đồng lúa thôn Đức Lập trải dài hai bên quốc lộ 25 từ cầu Cây Sung đến sát chân đèo Tô Na cũng đang vào mùa gặt. Lúa chín vàng, tiếng cười nói ngày mùa càng thêm rộn rã. Cha con ông Kpă Be (buôn Jứ Ma Nai, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) đang thu hoạch gần 1 ha lúa. Giọng ông Be lẫn trong tiếng máy gặt nổ rền: “Năm nay gieo sạ giống lúa MT10 nên năng suất đạt cao. Nhà mình thu hoạch được hơn 9 tấn”.

Từ năm 1992, công trình thủy lợi Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) có sức tưới hơn 13.500 ha lúa nước đi vào hoạt động, tưới mát cho các cánh đồng ở thung lũng Ayun Pa. Diện tích lúa nước liên tiếp được mở rộng, trải dài hai bên quốc lộ 25. Niềm vui của hàng vạn đồng bào Kinh, Jrai như vỡ òa cùng những vụ mùa bội thu. “Bây giờ, về vùng chiến địa đường 7-Sông Bờ, những tỷ phú giàu lên nhờ trồng lúa như ông Huỳnh Thanh Thọ, Kpă Be… không phải là hiếm”- ông Nguyễn Anh Chính-nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) cho biết.

Sức bật diệu kỳ

Nơi điểm cuối của tỉnh Gia Lai trên quốc lộ 25-buôn Thức, buôn Sai (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) tiếp giáp với cầu Klúi (một phần chiến trường đẫm máu năm xưa), người dân đã ổn định cuộc sống sau hơn 10 năm di dời từ vùng ngập của lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Trưởng thôn Thức, ông Nay Hly, ngồi bên hiên căn nhà sàn kiên cố hóng gió chiều từ suối Klúi hắt lên mát rượi. Ông Hly cho hay: “Buôn Thức có 62 hộ với 320 khẩu. Buôn có ít đất lúa, không chủ động nước tưới nên chỉ đủ ăn. Vừa rồi người trong buôn trúng đậm vụ mì, hơn 60 ha mì được mùa, được giá, lãi 10-15 triệu đồng/ha. Nhà nào cũng rủng rỉnh, buôn làng phấn chấn lắm”.

Ông Rô Beng phấn khởi thu vụ lúa bội thu trên cánh đồng buôn Hoang. Ảnh: Đức Phương
Ông Rô Beng phấn khởi thu vụ lúa bội thu trên cánh đồng buôn Hoang. Ảnh: Đức Phương



Ở vùng “đất khát” nên trồng trọt chỉ là thứ yếu. Ông Ale Mút-nông dân sản xuất giỏi của buôn Thức-nói: “Tài sản lớn nhất của buôn là hơn 1.000 con bò. Nhà ít có dăm ba con, nhà nhiều có đến vài chục con. Cả buôn có chừng 40 hộ thu nhập mỗi năm dăm bảy chục triệu đồng nhờ nuôi bò”. Nói về thế mạnh này của huyện Krông Pa, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: “Huyện Krông Pa hiện có 55.000 con bò, một con số đáng nể đối với nhiều địa phương trong cả nước”.

 Về Krông Pa bây giờ không chỉ nghe kể chuyện trồng trọt, chăn nuôi mà còn ấn tượng bởi sức hút đầu tư đối với những dự án điện năng lượng mặt trời. Ông Nguyễn Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa-cho hay: Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa tại xã Chư Gu có công suất 49 MW (công suất tối đa 69 MWp), với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng đã hoàn thành. Cùng với đó, Nhà máy Điện mặt trời Licogi 16 tại xã Chư Ngọc có công suất giai đoạn 1 là 12 MW, với tổng mức đầu tư hơn 365 tỷ đồng đã nối vào lưới điện quốc gia. Ngoài ra, hơn chục dự án điện mặt trời khác cũng đang được xúc tiến, đưa Krông Pa trở thành thủ phủ điện năng lượng mặt trời của cả nước.

Ngay đầu xã Chư Ngọc, Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát mới đưa vào vận hành nhà máy chế biến tinh bột mì với công suất 260 tấn/ngày. Đặc biệt, việc công ty này đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng khu liên hợp trên diện tích gần 40 ha gồm các nhà máy: sản xuất sirô cô đặc; sản xuất, chế biến tinh bột mì; chế biến thức ăn gia súc; sản xuất phân vi sinh tổng hợp đã góp phần quy hoạch vùng nguyên liệu mì hơn 20.000 ha của địa phương.

45 năm sau ngày giải phóng, các buôn làng bị dồn dân lập ấp chiến lược dọc đường 7 năm xưa giờ đã trở thành những khu dân cư trù phú. Thị trấn Phú Túc đang phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế của trung tâm kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng nơi huyện cửa ngõ phía Đông Nam tỉnh. Ngã ba Ia Rsươm, Ia Rsai đã định hình các thị tứ sầm uất dọc quốc lộ 25. Gia đình chị Ksor Phi Ly-một trẻ lạc trên đường 7 trong cuộc chạy loạn tháng 3-1975 giờ đã là tỷ phú. Gia đình chị là một hình mẫu ở địa phương về sự đổi đời của người dân sau 45 năm giải phóng. Nhà cửa tươm tất gần ngã ba xã Ia Rsươm, chồng làm garage ô tô và dịch vụ cho thuê xe ô tô du lịch; con trai lớn du học ở Nhật Bản; bé gái đang học lớp 9. Chị Ly là y sĩ công tác tại Trạm Y tế xã Ia Rsươm. Với chị, đây là sự đáp đền công ơn của đồng bào Jrai, những người đã từng cưu mang và nuôi dưỡng chị nên người.

Quốc lộ 25 đoạn đầu xã Chư Ngọc (Krông Pa). Ảnh: Đức Phương
Quốc lộ 25 đoạn đầu xã Chư Ngọc (Krông Pa). Ảnh: Đức Phương



Phía bên kia cầu Sông Bờ, nơi một thời là “tử địa” của Quân đoàn 2 ngụy giờ nhà cửa mọc lên san sát. Thị xã Ayun Pa, một đô thị trẻ, năng động nơi ngã ba sông đang vươn mình thành trung tâm kinh tế-xã hội phía Đông Nam tỉnh. Những dãy phố dài dọc theo đường 7 năm xưa bị đạn pháo của địch bắn phá tan hoang, thiêu cháy thành tro tàn giờ san sát nhà tầng, nhà xây sầm uất.

Bí thư Thị ủy Ayun Pa Thái Thanh Bình nhìn nhận: Với sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, mọi mặt đời sống của thị xã Ayun Pa đang trên đà phát triển ổn định. Đường Trường Sơn Đông đi qua đã tạo sức bật mạnh mẽ cho 5 xã phía Tây; quốc lộ 25 chuẩn bị khởi công nâng cấp hoàn thiện các đoạn còn lại, giúp nối kết vùng nguyên liệu cây công nghiệp và nông sản rộng lớn Bắc Tây Nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ. Hai trục lộ này sẽ là “đòn bẩy” đưa vùng kinh tế phía Đông Nam Gia Lai cất cánh.

 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm