Mỗi lần tôi nói đến quê ở ngoại thành Hà Nội, bạn bè thường ít để ý, vì nghĩ rằng Thường Tín không có gì đặc biệt, "muốn khám phá di sản văn hóa thì phải ở nội thành Thăng Long xưa hay cung đình Huế chứ ngoại thành có chi".
Chùa Đậu cổ kính có tên chữ là Thành Đạo tự, được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 |
Và tôi vẫn thường kiên trì giới thiệu với bạn bè về nơi mình sống - huyện Thường Tín, TP Hà Nội - như một vùng quê giàu văn hóa di sản.
Đất di sản, quê danh hương
Từ nội thành Hà Nội về huyện tôi chừng 10km theo hướng nam. Thường Tín là huyện cửa ngõ của Hà Nội. Huyện chẳng ồn ào như trong nội đô, vẫn giữ những cánh đồng lúa trải dài, những làng quê yên tĩnh với cây đa, bến nước, sân đình.
Ngôi chùa được biết đến nhiều nhất ở Thường Tín là chùa Đậu, nơi lưu giữ hai xác ướp của thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.
Xác ướp của thiền sư Vũ Khắc Minh trong chùa Đậu |
Ngoài chùa Đậu, Thường Tín còn có lăng đá Quận Vân, di tích kiến trúc cấp quốc gia, nơi thờ tự Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm; nhà thờ Nguyễn Trãi, nơi thờ vị anh hùng của dân tộc, hay đền thờ Dương Trực Nguyên, nhà thơ trong "Tao đàn nhị thập bát tú".
Còn nếu dịch ra gần đê sông Hồng, bạn sẽ được khám phá làng loạt di tích trong mùi thơm nhè nhẹ của phù sa sông mẹ. Bạn đã từng nghe chiến thắng lịch sử Chương Dương độ của quân dân nhà Trần chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285 chưa? Địa danh đó không đâu khác là đền và bến xã Chương Dương bây giờ. Còn đến với xã Hồng Vân, xã nổi tiếng với du lịch sinh thái cây cảnh, sẽ thấy một màu xanh phủ kín mấy ngôi làng, nhà nào cũng có ao, có hoa, có nhà sàn và không thể thiếu là cây bonsai.
Xác ướp của thiền sư Vũ Khắc Trường trong chùa Đậu |
Nơi đây còn là địa chỉ lịch sử của câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa. Bãi Tự Nhiên nay vẫn cát trắng nắng vàng, gần đó là đền Thượng, đền Hạ cổ kính, rêu phong thờ vị Thánh trong Tứ bất tử và công chúa Tiên Dung. Sang làng Vân La, ai làm trong ngành thương mại, buôn bán hẳn đã nghe đến Chợ Mới Ông Già, ngôi chợ gắn với câu chuyện cha Chử Đồng Tử ngồi dưới gốc đa bán cá từ hàng nghìn năm trước.
Với những câu chuyện lịch sử mang nặng màu di tích, bạn tôi thường bảo "không ngờ nơi này trầm tích văn hóa dày ghê". Di tích, phải khám phá, tìm tòi chứ, đâu hiện ra trước mắt dễ dàng mà thấy được.
Lăng đá Quận Vân ngày nay đã khang trang, thu hút nhiều lớp học sinh đến học tập lịch sử |
Nghe hát trống quân, xem rối Lộc Hòe, ăn bánh dày Quán Gánh
Thường Tín không chỉ có những di tích vật thể mà còn nhiều di tích phi vật thể ấn tượng. Hát trống quân Đan Nhiễm đã se duyên cho biết bao đôi lứa, chẳng nhạc, chẳng hò mà cứ râm ran đến lạ. Bạn tôi bảo: Lạ thật, người ta nghĩ ra lối hát độc đáo này mà sao ít người biết thế. Cũng dễ hiểu vì có được quảng bá, giới thiệu du lịch mấy đâu.
Rối cạn Lộc Hòe cũng thoi thóp chẳng kém, từng nổi tiếng suốt mấy chục năm, đi biểu diễn trong và ngoài nước, giành nhiều giải nhưng giờ cả làng Lộc Dư chỉ còn nghệ nhân Hữu Y là thông thuộc về cách làm, diễn xuất rối cạn.
Đền và Bến Chương Dương ngày nay, chứng tích cho cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc, bên cạnh đó là cây đa hoa gạo nghìn năm tuổi |
Cuối ngày, tôi dẫn đứa bạn khám phá món bánh giày Quán Gánh. Thường mọi người bảo ăn bánh giày hay nghẹn mà nhanh chán, tuy vậy ở Quán Gánh người ta làm cầu kỳ, có bí quyết riêng, gạo thơm, đậu xanh bùi , ăn chẳng nghẹn tí nào. Sáng ra làm gói bánh dày vừa ra lò thì tràn đầy năng lượng cho cả ngày làm việc.
Chợ Mới Ông Già ngày nay, nơi cha Chử Đồng Tử bán cá mấy nghìn năm trước |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy hằng ngày vẫn hăng say truyền dạy hát trống quân cho thế hệ trẻ |
Nghệ nhân Hữu Y cả đời đau đáu phục hồi môn nghệ thuật rối cạn Lộc Hòe |
NGUYỄN VĂN CÔNG (TTO)