(GLO)- Dù bị bệnh thận mãn tính nhưng anh Nguyễn Hoài Nam (31 tuổi, thôn Hà Lòng 1, xã Kdang, huyện Đak Đoa) vẫn gắng gượng đi làm thuê để có tiền chữa bệnh và chăm lo cho mẹ. Một ngày giữa tháng 6-2016, khi đang chặt ngọn trụ hồ tiêu thuê thì thang đổ khiến anh bị giãn cột sống lưng.
Khi chúng tôi đến thăm, anh Nam đang ngồi trên chiếc xe lăn trước cửa nhà, chân tay teo tóp, người nhỏ thó, mắt nhìn chúng tôi cảm kích không nói nên lời. Bà Thái Thị Anh rót nước mời khách rồi kể về hoàn cảnh bi đát của gia đình. Vợ chồng bà Anh quê ở Hà Tĩnh. 25 năm trước, cuộc sống ở quê khó khăn nên vợ chồng bà dắt theo 3 con nhỏ vào xã Kdang lập nghiệp. Nhưng làm mãi mà vẫn nghèo khó bởi chồng bà Anh bị ung thư gan. Một mình bà Anh tần tảo làm lụng để có tiền chữa bệnh cho chồng, lo liệu cho các con. Khi đang học lớp 6, Nam đã xin bố mẹ nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Không còn cách nào khác, bà Anh đành gạt nước mắt cho con rời bỏ con chữ.
Mọi sinh hoạt của anh Nam giờ đều phải nhờ cậy mẹ. Ảnh: H.T |
Anh Nam làm thuê đủ việc, từ đào hố cà phê đến dựng trụ hồ tiêu, xay lá và vỏ cây bời lời... Một ngày cuối năm 2007, khi đang xay bời lời thuê, anh sơ ý bị máy cắt lìa 4 ngón tay trái. Đến đầu năm 2008, thấy con mệt mỏi, chân tay phù nề, bà Anh vội đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh bị bệnh thận mãn tính. Bà Anh nói trong đau đớn: “Để có tiền điều trị cho con và chồng, tôi đành phải bán 5 sào cà phê được 50 triệu đồng. Nhưng tiền hết mà bệnh của 2 cha con vẫn không thuyên giảm”.
Không chống chọi được với bệnh tật, cuối năm 2012, chồng bà Anh qua đời. Anh Nam đều đặn 2 lần/tuần phải đi viện chạy thận. Lúc khỏe, anh vẫn gắng gượng đi làm thuê để có tiền đỡ đần mẹ. Thế rồi một ngày giữa tháng 6-2016, anh bị đổ thang trong lúc làm thuê, trở thành người tàn phế.
Anh Nam tâm sự: “Mẹ tôi bị rối loạn tiền đình, thỉnh thoảng ôm đầu khóc vật vã. Bệnh của tôi thì giờ phải chạy thận 3 lần/tuần mà vẫn yếu hơn trước. Hơn nữa, do di chứng từ vụ tai nạn, tôi bị teo cơ tủy, viêm đa dây thần kinh. Chân tay mỗi ngày co rút lại, không cầm nắm được, đi lại phải có người dìu hoặc chống nạng”. Bà Anh gạt dòng nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen, nghẹn ngào kể: “Qua thăm khám, bác sĩ khuyên nên cho Nam nhập viện điều trị bệnh teo cơ tủy, viêm đa dây thần kinh vì bệnh này có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, chi phí điều trị lên đến hơn 50 triệu đồng. Số tiền này đối với gia đình tôi là quá lớn”. Hàng tuần, bà phải đưa con đến bệnh viện chạy thận tốn kém gần 500.000 đồng, chưa kể chi phí đi lại. Nhà không còn đất sản xuất, ngày nào không đưa con đi chạy thận thì bà tranh thủ đi làm thuê kiếm công 120.000 đồng/ngày. “Những lúc ngặt nghèo, tôi đành đi mượn quanh hàng xóm, sau đó đi làm thuê trả dần”-bà Anh buồn bã nói.
Thời gian qua, bà con thôn Hà Lòng 1 cũng đã vận động đóng góp được gần 5 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kdang hỗ trợ 30 triệu đồng, anh em họ hàng giúp thêm để mẹ con bà sửa lại căn nhà. Bà Đỗ Thị Yến-Trưởng thôn Hà Lòng 1-cho biết: “Chúng tôi rất mong những tấm lòng hảo tâm sẽ giúp đỡ cho anh Nam qua giai đoạn ngặt nghèo”. Mọi sự giúp đỡ cho anh Nguyễn Hoài Nam xin liên hệ số ĐT: 0962047522; hoặc gửi về Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số ĐT: 0943065095).
HÀ TÂY