Phóng sự - Ký sự

Medina về thế giới bên kia, nhưng tội lỗi vẫn ở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 16/3/2019, tỉnh Quảng Ngãi lại tổ chức Lễ tưởng niệm 51 năm vụ thảm sát 504 đồng bào Sơn Mỹ. Trong ký ức của nhiều người nơi này vẫn còn lưu giữ tiếng đạn AR 15 sát khí của đám lĩnh Mỹ xông vào làng.
Kẻ được nhắc tên nhiều nhất là trung úy William Calley, năm 2005, Calley đã lên tiếng chuộc lại lỗi lầm. Nhưng kẻ ra lệnh trực tiếp là đại úy Ernest Medina. Viên sĩ quan lìa đời vào tháng 8 năm 2018.  
Nhắc tên nửa vòng bán cầu
Sáng ngày 16/3/2019, tiếng chuông vang lên trong Khu chứng tích Sơn Mỹ theo nhịp 5 hồi và 4 tiếng, tượng trưng cho sinh linh của 504 đồng bào đã bị tàn sát vào sáng ngày 16/3/1968. Tiếng chuông không thể vọng tới bang Georgia, cách Việt Nam nửa vòng trái đất, là nơi đang sinh sống của viên trung úy William Calley, người trực tiếp chỉ huy bắn giết. Nhưng ở Sơn Mỹ, người dân vẫn hàng ngày hình dung ra khuôn mặt của Calley được dán trong nhà bảo tàng. Rất nhiều người nói rằng, “giờ gặp lại thì vẫn nhớ mặt tên Calley, dù đã 51 năm”.
 
Đại úy Ernest Medina chỉ huy cuộc hành quân gây ra thảm sát Mỹ Lai
Có thể, phép thần giao cách cảm, vốn là một đặc tính siêu tâm lý ở con người sẽ khiến viên trung úy giờ đã là một lão già 77 tuổi “bắt được sóng”, cảm nhận ra điều này. Vì vậy, trước đây, Calley từ chối các cuộc tiếp xúc với báo chí để trả lời về tội ác chiến tranh, thì đến năm 2009, Calley đã bất ngờ từ nước Mỹ lên tiếng: "Ngày nào tôi cũng day dứt về những chuyện đã xảy ra. Tôi hối hận trước những người dân Việt Nam bị giết và gia đình họ. Tôi thành thật xin lỗi!".
Nhưng một viên đại úy rất ít được nhắc đến thì mới chính là người đã gây ra vụ thảm sát, đó là Ernest Medina. Ngày 8/5/2018, hàng loạt tờ báo trong và ngoài nước vừa đưa đậm tin: “Ernest Medina, nhân vật chủ chốt trong cuộc thảm sát Mỹ Lai (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) vừa qua đời”. Trung úy Calley khi ra tòa án binh đã trả lời rằng, việc tàn sát dân thường là theo lệnh của cấp trên, trực tiếp là đại úy Ernest Medina, với lệnh “bắn giết tất cả”.
Đại úy Ernest Medina, sinh năm 1936, nhập ngũ năm 1956, quê ở bang Wiscosin. Medina có mặt trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1967 và phụ trách tiểu đoàn bộ binh số 20, lữ đoàn 11 và đóng quân tại Quảng Ngãi. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đó là quê của Medina là Wiscosin, một tiểu bang miền Trung Tây của Hoa Kỳ và có thủ phủ là Madison. Và hơn 25 năm qua, một quân nhân cùng quê với Medina là cựu chiến binh Mike Boehm đã lập quỹ Madison và quay trở lại Quảng Ngãi để giúp đỡ hàng ngàn phụ nữ nghèo, hỗ trợ gia đình các nạn nhân trong vụ thảm sát Mỹ Lai, góp phần bù đắp vết thương chiến tranh.
Báo chí Việt Nam đã nhiều lần phỏng vấn Mike Boehm về quỹ Madison. Ông chưa bao giờ nhắc đến người đồng hương Medina có vai trò hỗ trợ cho quỹ Madison để giúp các nạn nhân Mỹ Lai hay không. Mike thường kéo đàn vĩ cầm bên tượng đài Mỹ Lai bài “Ashokan Farewell” (Vĩnh biệt Ashokan).  
Medina - Calley
Quay ngược dòng thời gian, sáng 16/3/1968, Đại đội Charlie thuộc Tiểu đoàn số 1 đã tấn công vào thôn Tư Cung, xã Mỹ Lai (nay là xã Tịnh Khê), đại úy Medina, 33 tuổi, người gốc Mexico là người chỉ huy chung và dưới quyền là thiếu úy Calley, 24 tuổi. Sau đợt đột kích này, các sĩ quan đã trở về thị xã Quảng Ngãi và báo cáo với sĩ quan cấp trên: “Diệt 128 binh lính kẻ thù mà không chịu bất cứ thương vong nào”. Nhưng phía sau lưng của những binh lính này là 504 xác chết, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Có tên lính đã phản đối lại hành động của cấp trên bằng cách tự bắn vào chân mình.
Trong tấm ảnh được đăng tải cách đây hơn 10 năm, trung úy Calley có nét mặt không khác gì hình ảnh trong nhà bảo tàng trong Khu Chứng tích Sơn Mỹ, dù đã nửa thế kỷ trôi qua. Đó là người đàn ông có nước da đỏ, bộ ria mép màu vàng râu ngô, ria mép dưới cằm màu bạc trắng. Chiếc kính to tròng vẫn không giấu được ánh mắt thoáng vẻ u uẩn thường gặp của một người có quá khứ không trong lành. Còn viên đại úy Ernest Medina thì hầu như không tìm được tấm ảnh nào mới. Khi viên đại úy này lìa đời thì hầu hết các báo đều sử dụng ảnh cũ cách đây hơn 50 năm.
 
Ông Đỗ Ba, tôn thờ những cựu binh Mỹ như Lawrence Colburn, Hugh Thompson, vì đã hạ trực thăng xuống cứu mình và ngăn chặn cuộc thảm sát
Vụ thảm sát Mỹ Lai do lính Mỹ gây ra vào ngày 16/3/1968. Medina và nhiều sĩ quan đã bị điều trần trước Quốc hội Mỹ và bị đưa ra tòa án quân sự. Binh lính dưới quyền đã tố cáo vai trò của Medina. Viên đại úy lúc đó đã tìm cách bác bỏ những lời cáo buộc về việc ra lệnh trực tiếp giết dân thường. Sau vụ việc này, Medina rời quân đội và chuyển sang làm công nhân cho hãng Enstrom Helicopter ở bang Michigan, sau đó kinh doanh lĩnh vực bất động sản.
Cách đây 1 năm, người dân ở ngôi làng Mỹ Lai tổ chức tưởng niệm tròn 50 năm vụ thảm sát vào ngày 16/3. Hơn 50 ngày sau thì bên kia đại dương Medina chết. Cái tên Medina mãi mãi được nhắc đến là một tội đồ vì được lưu trong bài hát "Last Train to Nuremberg" (Chuyến tàu cuối cùng đến Nuremberg). Bài hát còn nhắc viên thiếu úy Calley là cấp dưới của Medina và Tổng thống Nixon. Tác giả bài hát này là Pete Seeger, một nhạc sĩ đấu tranh không mệt mỏi vì sự tiến bộ của nhân dân lao động, vì các quyền dân sự, chống chiến tranh, vì hòa bình và môi trường.  
Người được ca tụng
Chết là hết. Nhưng đại úy Medina chết thì câu chuyện đau thương về thảm sát Mỹ Lai tiếp tục được nhắc lại. Khi Medina lìa đời, hàng loạt tờ báo nước ngoài đưa đậm tin: “Ernest Medina, nhân vật chủ chốt trong cuộc thảm sát Mỹ Lai vừa qua đời”. Các báo nhắc lại vai trò của Medina trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Cách đây 50 năm, khi bồi thẩm đoàn của Mỹ phỏng vấn và kết luận “Medina nói dối việc không đưa ra lệnh giết dân thường và Medina biết hoàn toàn những gì đang xảy ra trong làng, nhưng anh ta và quân đội đang cố gắng biến trung úy Calley thành một vật tế thần”.
 
Du khách Mỹ có khuôn mặt ảm đạm khi đi qua bức tượng Sơn Mỹ
Trước khi Medina chết, có những quân nhân Mỹ có mặt tại vụ thảm sát Mỹ Lai qua đời, nhưng lại được báo chí Việt Nam tỏ ý tiếc thương. Đó là Lawrence Colburn, xạ thủ trên máy bay trực thăng thuộc đại đội Charlie. Năm đó cậu thanh niên này mới 18 tuổi. Ông và đồng đội của mình là Hugh Thompson và Glenn Andreotta đã hạ máy bay xuống để cứu dân Mỹ Lai, đồng thời tuyên bố sẽ bắn vào lính Mỹ nếu tiếp tục bắn vào dân thường. Người lính này qua đời vào ngày 13/12/2016 tại bang Georia, Mỹ, hưởng thọ 67 tuổi.
Viên phi công điều khiển trực thăng để ngăn cản lính Mỹ thảm sát là Hugh Thompson thì qua đời vào năm 2006, hưởng thọ 62 tuổi. Hai quân nhân này rất nhiều lần quay trở lại thăm Mỹ Lai và nhắc đến Glenn Andreotta, người đã cùng cứu dân Mỹ Lai, nhưng sau đó 3 tuần thì tử nạn vì rơi trực thăng.
Hà Anh (Nông Nghiệp Việt Nam/Kiến thức gia đình số 12)

Có thể bạn quan tâm