Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Miền ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi quét dọn, đám lá được tôi gom lại rồi đốt. Những làn khói trắng tỏa ra từng sợi mảnh ở góc vườn. Cô con gái lẫm chẫm đi ngang qua, ngó nghiêng một hồi rồi hỏi: “Có mùi gì đó mẹ ha?”. “Mùi khói đó con”. Con òa lên: “Con muốn lên trên cao kia để ngửi mùi khói”. Tôi công kênh con lên vai. Con nhắm nghiền mắt lại rồi hít hà thứ mùi lạ lùng từ đám lá khô. Dưới sức bén của lửa, ngọn gió đung đưa cột khói, khói trùm lên đám cây nở đầy hoa trắng ven đường. Mùi cây cỏ cuối năm cũng ươm độ rực rỡ, xao xuyến lạ lùng.

Vậy là, tôi đã trở về nhà, về Pleiku trong những ngày cuối năm với biết bao chộn rộn. Và lạnh, cái lạnh như khiến xui người đi xa dày thêm nỗi nhớ. Thì chẳng phải, những ngày cuối năm đang len đều trong không gian đó sao. Trên không trung cao xanh vời vợi, mây không còn về lang thang trên chóp núi, trời cao hơn trên cánh đồng loang loáng nước. Rau trong vườn tôi mọc lên đủ loại. Mẹ nói, ruộng lại đến vụ sắp sạ rồi, từ gốc rạ đã mọc lên những cây lúa non, đợi đủ nước, máy sẽ chạy cày lật úp, bừa thêm, xáo đều rồi mẹ ngâm giống vãi ra thửa ruộng.

 Minh họa: Nguyễn Văn Chung
Minh họa: Nguyễn Văn Chung



Đi qua cây cầu đầu làng, thấy nước chảy từ nguồn về sậm đục. Mẹ nói, nước mùa này nhiều, cà phê khỏi tưới. Tôi lại nhớ dòng mương đó, hồi nhỏ chúng tôi đã từng tắm, khuấy chân, từng gót chân cứ nứt ra vì ngấm bùn. Mẹ cho ngâm muối, lau khôi, bôi bằng kem đánh răng, lúc thì ngâm nước lá ổi, lá mướp…

Bây giờ ở thành phố, bàn chân tôi vẫn nhiều lúc nứt đi, khi đi chân trần, đất còn giắt vào đen một thớ. Nhiều người chê gót chân “nông dân” nhưng tôi vẫn thấy vui vì điều đó. Nhiều lần, tôi chẳng cần phải kỳ cọ kỹ, mặc đôi giày cao hở gót, để lộ những đường chỉ đen của bàn chân không đi tiệm, làm nail, thấy thế mà vui. Những ký ức vụn vặt ấy nó đã lẩn khuất đi đâu cho đến ngày tôi bước chân về con đường cũ.

Phía trước nhà tôi có một con đường cánh đồng của xóm. Cánh đồng ấy chứng kiến chúng tôi lớn lên, ăm ắp kỷ niệm ngày thơ bé. Vậy nên, tôi có thói quen đi về là đi thẳng ra cánh đồng. Ở đó ban ngày thì con ngỗng lạch bạch kêu cạc cạc, buổi đêm ếch nhái đua nhau hòa ca trong vạt cỏ ống của bờ hồ.

Vừa rồi có chuyến công tác về miền Tây, thấy con cá rô bơi dưới ruộng cạn khi máy cày chạy qua tôi đã ồ lên thích thú. Nhiều bạn đi cùng ngạc nhiên hỏi tôi chưa thấy cá rô bao giờ sao. Thực ra, các bạn không hiểu, điều đó gắn với ký ức xinh xắn của tôi. Cái thời đi ra đồng là bắt ngay được cá, vụ gặt cũng là khi thấy đàn cá tung tăng chạy trốn người. Tụi trẻ con đi theo được xâu cá tổ chim mang về trong gương mặt lấm lem bùn đất có món quà là xâu cá lủng lẳng.

Tôi đang đi qua những ngày cuối năm, mới chỉ nghĩ thôi mà thấy mọi thứ ấm áp quá. Tất cả không khí như om lại trong một miền trời nho nhỏ. Tôi lại đi ra đồng, rồi lọc cọc gõ gõ để lưu lại những miền thơm của ký ức ngày xưa. Năm nay, nhớ thế, viết thế, biết đâu sang năm nỗi nhớ nó còn dày hơn khi mình thêm tuổi.

 

TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm