Xã hội

Miền Tây và nghĩa tình anh em báo Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian lùi lại sau hành trình miền Tây nhiều ấn tượng. Một số đồng nghiệp đã có bài cảm nhận, thông tin, nhưng sao vẫn thấy mắc nợ một điều gì đó. Thông cảm, sẻ chia, trăn trở làm nghề và tình cảm anh em dành cho nhau cứ lặng lẽ nhắc nhớ người viết…

Đâu chỉ “Áo mới Cà Mau”

Hơn 10 ngày một chuyến khám phá, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, đoàn công tác báo Đảng địa phương miền núi chúng tôi có dịp “mục sở thị” một miền Tây giàu đẹp cũng như hoạt động của đồng nghiệp vùng đất “chín rồng”.

Một xóm nhà ở Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Thất Sơn

Cố nhạc sĩ tài danh Thanh Sơn nổi tiếng với các ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” là người con miền Tây và tất nhiên, ông được người dân nơi đây yêu thương, ca ngợi hết lời. Là người bắt nhịp với thời cuộc, ông có nhiều sáng tác hay với những chặng đường phát triển của quê hương miền Tây, trong đó có bài ca “Áo mới Cà Mau” hồn hậu, dễ thương. “Em đứng mình ên một hướng/Duyên dáng mời khách lạ ngàn phương/Cà Mau mặc thêm áo mới/Về Cà Mau là thấy thương em rồi…”. Không đề cập đến những dự án, công trình, phong trào, cuộc vận động nhưng giai điệu nhẹ nhàng, vui tươi qua tâm tình của cô gái trẻ, nhạc sĩ cho thấy tâm hồn con người Cà Mau nói riêng, miền Tây nói chung phấn chấn như thế nào trước cuộc sống mới.

Nhà công tử Bạc Liêu. Ảnh: Thất Sơn

Một vòng từ Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long đến Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang rồi Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp... đâu đâu cũng mới mẻ, háo hức. Vẫn là những con sông lớn, những đô thị, làng mạc, phum sóc nhưng tất cả đều khoác lên tấm áo mới. Phà, xuồng vẫn còn, vẫn là phương tiện đi lại, vận chuyển nhưng không là duy nhất. Đường sá rộng rãi, những cây cầu thiết kế hiện đại, đẹp mắt nối liền đôi bờ làm cho các địa phương miền Tây xích lại gần nhau, cho nhau cơ hội và tạo điều kiện để cùng nhau phát triển. Cây lúa Hậu Giang vẫn là cây trồng chủ lực nhưng chất lượng hạt gạo dẻo thơm như ST25 được cả thế giới biết đến mới được ưu tiên. Không chỉ có lúa, không chỉ có những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những vườn xoài, sầu riêng, măng cụt, mít… tốt tươi làm no mắt nhìn. Thế mạnh thủy sản sông biển, con cá tra, con tôm, con cua cùng bao sản vật nơi đây còn khiến ngay cả người sở tại ngạc nhiên thích thú huống hồ người từ nơi khác đến. Cơ cấu kinh tế các tỉnh miền Tây chuyển dịch mạnh, nhanh, đúng hướng, khai thác tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là với lĩnh vực du lịch dịch vụ.

Đặc điểm tự nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa phong phú, giàu có và độc đáo làm một vùng miền Tây say đắm du khách. Chúng tôi không khỏi bất ngờ và hào hứng khi chứng kiến du khách nườm nượp đổ về tham quan TP. Rạch Giá, Hà Tiên. Hay dù đường sá lầy lội, khó đi do đang cải tạo nâng cấp nhưng Đất Mũi Cà Mau vẫn đông nghịt người. Một số điểm đến như di tích lịch sử cách mạng Xẻo Quýt ở Đồng Tháp, khu lưu niệm nhà Bác Tôn ở An Giang cũng thu hút rất đông du khách...

Trăn trở vươn lên đổi mới

Lại nói về anh em báo Đảng miền Tây. Trước tiên là mừng cho anh em vì được cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ giúp đỡ nhiều mặt. Hầu hết trụ sở cơ quan, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ cho hoạt động làm nghề đều có sự chăm lo, đầu tư. Trụ sở Báo Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang được bố trí ở những vị trí đẹp, được xây dựng khang trang, quy củ. Trụ sở Báo Long An mới xây dựng 7 tầng, trang-thiết bị làm báo hiện đại đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Tham quan một số phòng, trong đó có phim trường và bộ phận làm báo điện tử, chúng tôi không khỏi ấn tượng, lấy làm vui mừng cho đồng nghiệp. Báo Hậu Giang được bố trí ở khu quy hoạch mới TP. Vị Thanh, cũng được xây dựng khá khang trang…

Bên cạnh cơ sở vật chất, lực lượng đội ngũ làm nghề của các báo cũng trở nên chuyên nghiệp, chính quy, đa năng. Đội ngũ các báo hầu hết là những nhà báo trẻ, năng động, yêu nghề. Mô hình tổ chức bộ máy các báo thực hiện theo quy định, có tính đến đặc điểm địa phương. Nhưng nhìn chung tất cả đều tinh gọn, chú trọng chất lượng, hiệu quả. Cách tổ chức thực hiện và xuất bản các ấn phẩm của báo khá năng động và sáng tạo.

Sự phát triển của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo buộc các báo Đảng phải thích ứng cho phù hợp. Với yêu cầu này, các báo miền Tây hầu hết đều trăn trở đổi mới, vươn lên và đạt được những kết quả nhất định. Báo Long An tiến bộ nhiều mặt về công nghệ và phương tiện, cách thức làm báo hiện đại. Cơ quan báo Đảng này có một bước tiến dài, nhất là với loại hình báo điện tử và khả năng tự chủ tài chính trong hoạt động.

Cách mạng 4.0 và trí tuệ nhân tạo đã, đang và tiếp tục tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội con người. Báo chí hiện đại cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Vì vậy để thích ứng và phát triển, báo Đảng địa phương-không còn cách nào khác-phải năng động, đổi mới, vươn lên. Một trong những điểm mấu chốt góp phần tháo gỡ vướng mắc cho sự phát triển báo đảng địa phương là lãnh đạo các tỉnh miền Tây rất đồng tình ủng hộ báo Đảng địa phương đổi mới mạnh mẽ các ấn phẩm, đặc biệt là báo điện tử và chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, như nhiều cơ quan báo Đảng hiện nay, đồng nghiệp miền Tây cũng còn gặp không ít khó khăn, vất vả về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, đội ngũ làm nghề. Thiếu nhân lực, chậm được đầu tư và đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu phát triển báo điện tử, báo chí đa phương tiện cũng như nâng cao trình độ năng lực, kỹ năng làm nghề của phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đã phần nào làm chậm đi quá trình đổi mới của báo Đảng địa phương trong giai đoạn mới.

Thân tình, ấm áp

Lẽ dĩ nhiên là đồng nghiệp, lại là đồng nghiệp báo Đảng thì dễ dàng thông cảm và quý mến nhau. Trong các cuộc làm việc hoặc giao lưu trao đổi tâm tình, tình cảm trân trọng, quý mến đôi bên dành cho nhau thật tự nhiên và chân thành. Anh Nguyễn Chiến-Tổng Biên tập Báo Cà Mau, Phó Tổng Biên tập Phạm Hữu Hoàn và một số đồng nghiệp Báo Đồng Tháp, hay anh Châu Hồng Khá-Phó Tổng Biên tập Báo Long An… đều vẫn không quên kỷ niệm khi đến thăm địa phương, giao lưu, trao đổi nghiệp vụ với Báo Gia Lai.

Đoàn công tác Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm tại Khu lưu niệm soạn giả Cao Văn Lầu. Ảnh: Thất Sơn

Chúng tôi thông tin với bạn về tình hình hoạt động, những nỗ lực và kết quả đã được ghi nhận. Trong khi đó, đồng nghiệp cung cấp nhiều điều bổ ích, nhất là sự thích ứng với cơ chế mới, duy trì hoạt động, phát triển và nâng cao uy tín. Đặc biệt là những nội dung hai đơn vị có thể hợp tác, chia sẻ cùng nhau. Nội dung là làm việc nhưng những chia sẻ và kinh nghiệm đó đều xuất phát từ tình cảm. Ngày đoàn rời Long An, anh Khá còn nằng nặc mời ở lại. Tôi chợt nhớ chưa chuyển lời thăm hỏi của nhà báo Triệu Tùng-Báo Đà Nẵng đến anh Khá. Tùng thấy tôi cập nhật hình ảnh trên zalo đang ở Long An nên mới nhờ như vậy. Anh Nguyễn Chiến-Tổng Biên tập và anh Ngô Minh Toàn-Phó Tổng Biên tập Báo Cà Mau thì còn bố trí cho đoàn một chương trình giao lưu, chia tay lưu luyến ấn tượng.

Tại Báo Hậu Giang, tôi và Vĩnh Hoàng may mắn gặp lại 2 đồng nghiệp từng công tác ra Trường Sa năm 2016: đi cùng Hoàng là Nết và đi cùng tôi là Thuận. Hai ngày ở Hậu Giang, Nết, Hoàng cứ ríu ra ríu rít không rời, chuyện xưa chuyện nay rôm rả. Thuận ra Trường Sa khi mới vào nghề, mắt cận, hiền lành, miệng hay cười, siêng năng ghi chép. Do bố trí ở gần phòng (trên tàu hải quân) nên cậu thường qua lại chuyện trò. Hợp “cạ” thế nào mà chuyện gì Thuận cũng hỏi han, tâm sự cùng tôi, lo lắng chuyện bà xã mang bầu sắp sinh mà mình thì không có ở nhà. “Bé nhà em dễ thương lắm, đi học rồi anh”-Thuận khoe. Mừng cho Thuận, bồi hồi nghĩ thời gian trôi sao quá nhanh.

Nhớ nhất là khi tới Báo Bạc Liêu. Anh Hàn Ái Tiến-Tổng Biên tập, Nguyễn Thị Lâm Anh-Phó Tổng Biên tập và anh chị em Báo Bạc Liêu đã dành cho đoàn và cá nhân tôi tình cảm thật thắm thiết. Thật tình cờ, gia đình anh Tiến từng có thời gian sinh sống khá dài trước năm 1975 tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai; nhà anh ở khu vực công viên Kpă Klơng bây giờ). Khoảng năm 2015-2016, anh có về thăm Pleiku và Báo Gia Lai. Anh nói, Pleiku là quê hương của anh, không phân biệt quê hương thứ nhất hay thứ hai. Và anh em Báo Gia Lai cũng như người nhà của anh, không khác. Có thể hiểu được điều đó-tình cảm anh dành cho người đồng hương-anh em Báo Gia Lai nên dù bị bệnh dạ dày hành hạ song anh vẫn luôn có mặt suốt thời gian chúng tôi lưu lại ở Bạc Liêu. Anh bố trí và đưa đoàn thăm cơ quan, chào xả giao anh em, mời thưởng thức ẩm thực đặc sản, thăm nhà thờ Tắc Sậy, khu lưu niệm soạn giả Cao Văn Lầu, di tích nhà Công tử bạc Liêu…Nghĩ mà thương, mỗi nơi, mỗi chặng như thế, lắm lúc anh phải ngồi nghỉ cho đỡ mệt rồi mới đi tiếp.

Lại nói chuyện của mình. Thú thật, sắp đến tuổi 60 nhưng không mấy khi tôi nhớ sinh nhật. Một là do người xứ tôi, gia đình tôi không coi trọng điều đó. Hai là ba mẹ tôi sinh nhiều con nên không nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ con mình. Ba là thời cuộc đổi thay, chiến tranh loạn lạc, nay học chỗ này mai học chỗ khác, giấy tờ làm đi làm lại nên khai ngày sinh tháng đẻ cốt cho dễ nhớ, để được đi học. Ba tôi có một quy định: đã thống nhất khai sinh cho ai trong gia đình rồi thì sau đó như nhất, nhớ mà áp dụng, không được làm khác. Nhiều năm sau này khi đi làm nhà nước, tôi cũng thường quên sinh nhật của mình. Ấy vậy mà hôm lưu lại Báo Bạc Liêu, lãnh đạo đoàn công tác lại nhớ và tổ chức sinh nhật khiến tôi vô cùng bất ngờ và xúc động không nói nên lời. Cám ơn anh chị em, cám ơn đồng nghiệp đã cho tôi một sinh nhật thật khó quên.

Còn và còn nhiều kỷ niệm, tình cảm thân thương khác nữa. Nói như một đồng nghiệp từng công tác Báo Tiền Phong gặp lại trong hành trình về miền Tây, cái còn lại cuối cùng đáng giá nhất trong cuộc đời này là tình cảm con người dành cho nhau, còn tất cả chỉ là phụ, chỉ là cho vui...

THẤT SƠN 

 

Có thể bạn quan tâm