Kinh tế

Minh bạch thông tin, chất lượng để xuất khẩu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc minh bạch thông tin, chất lượng sản phẩm là một trong những yêu cầu để các mặt hàng nông sản của tỉnh có thể xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới được bền vững.

Chuẩn hóa nguồn hàng xuất khẩu

Việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Gia Lai sang các thị trường lớn trên thế giới. Bên cạnh những thuận lợi về thuế quan thì các hàng rào kỹ thuật thương mại đòi hỏi ngành nông nghiệp phải nhanh chóng thích ứng, khắc phục những khó khăn trong điều kiện phần lớn diện tích sản xuất có quy mô nông hộ. Vì vậy, vấn đề liên kết theo chuỗi với sự tham gia của các hợp tác xã, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn để tạo ra nguồn hàng chất lượng cao.

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) cho hay: “Đến nay, HTX đã liên kết với các thành viên và hộ nông dân trên địa bàn canh tác khoảng 300 ha chanh dây, trong đó có hơn 100 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Việc đảm bảo sự minh bạch khâu đầu vào và chuẩn đầu ra cho sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nếu lúc trước, HTX chỉ xuất khẩu qua Trung Quốc ruột chanh dây cấp đông thì gần đây có thêm mặt hàng quả chanh dây. Ngoài Trung Quốc, New Zealand cũng đang là thị trường tiềm năng để xuất khẩu. Hiện nay, việc xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang là thách thức không nhỏ trong việc chuẩn hóa các quy trình từ khâu sản xuất đến chế biến”.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) trồng chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh: V.T

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) trồng chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh: V.T

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông sản Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng, cụ thể là yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động-thực vật, sở hữu trí tuệ…

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) thông tin: Hiện nay, các doanh nghiệp cà phê của Việt Nam đã xây dựng nền tảng chuyển đổi số và số hóa toàn bộ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc. Để vào được thị trường EU theo EVFTA, Vĩnh Hiệp đang nỗ lực cùng với địa phương xây dựng mạng lưới sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn thị trường quốc tế, nhất là tuân thủ quy định EUDR (quy định không gây mất rừng của EU). Sản phẩm làm ra đòi hỏi trách nhiệm của người sản xuất phải nâng cao về chất lượng, bảo đảm môi trường; buộc người nông dân phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế vật tư nông nghiệp đầu vào.

Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang-thiết bị hiện đại để chế biến sâu, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu. Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa) cho hay: Gia Lai có nguồn nguyên liệu chanh dây tím dồi dào và chất lượng được thị trường thế giới ưa chuộng so với chanh vàng của khu vực Nam Mỹ. Đây là lợi thế để Công ty đặt nhà máy tại Gia Lai. Năm 2024, Công ty bị ảnh hưởng do thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, chanh dây là cây ngắn ngày nên chu kỳ mới sẽ sớm lặp lại, giá được dự báo sẽ tăng từ nay cho đến năm 2025.

Khoảng 90% thị trường tiêu thụ của Quicornac là các nước ở châu Âu và dư địa tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn khá nhiều ở các thị trường khác. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, Công ty tiến hành test mẫu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không để xảy ra sự cố về chất lượng nhằm đảm bảo uy tín cho đơn vị cũng như cho ngành hàng chanh dây của Việt Nam. Hiện nay, Quicornac đã có các chứng nhận FDA, Kosher, Halal… với các sản phẩm nước chanh dây cô đặc đông lạnh, nước chanh dây thanh trùng đông lạnh, hương chanh dây tự nhiên.

Hướng đến xuất khẩu nông sản bền vững

Tận dụng những lợi thế mà các FTA mang lại, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thông tin kịp thời về các quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật của nhà nhập khẩu để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tạo ra nguồn hàng có chất lượng đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang EU chiếm khoảng 60% với các mặt hàng chủ lực là cà phê, chanh dây chế biến.

Toàn tỉnh có hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu sang 50 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, sản phẩm cà phê và trái cây đóng góp khoảng 95% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: “Cà phê và chanh dây là 2 ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh do giá cà phê tăng cao. Ngành Nông nghiệp và PTNT đang khuyến cáo các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với truy xuất nguồn gốc để tạo ra tính minh bạch cho sản phẩm nông nghiệp. Đây là điều kiện cần thiết để nông sản của tỉnh xuất khẩu vào các thị trường lớn”.

Kho cấp đông chanh dây cô đặc của Quicornac. Ảnh: V.T

Kho cấp đông chanh dây cô đặc của Quicornac. Ảnh: V.T

Cũng theo ông Có, để nông sản vào được các thị trường lớn, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… Nếu không nhanh chóng triển khai các giải pháp để đẩy nhanh sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với truy xuất nguồn gốc và chấp hành EUDR thì không xuất khẩu sang châu Âu được và cũng sẽ khó xuất khẩu sang các thị trường châu Á, châu Mỹ Latinh, Trung Đông…

Ngày 25-9-2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2199/KH-UBND về hành động thích ứng quy định không gây mất rừng (EUDR). Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng khung hợp tác trong thực hiện quy định EUDR; xây dựng các giải pháp kỹ thuật như cơ sở dữ liệu về khu vực vùng trồng tạo sản phẩm hàng hóa bị ảnh hưởng bởi quy định EUDR, xây dựng truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu, bản đồ hiện trạng rừng; xây dựng các mô hình chuyển đổi sinh kế bền vững tại các vùng rủi ro…

Có thể bạn quan tâm