Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Định hình vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn xuất khẩu

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh với tổng diện tích khoảng 100 ngàn ha, trong đó, diện tích cà phê kinh doanh là 88.690 ha. Toàn tỉnh có khoảng 5.600 ha cà phê trên địa bàn 7 huyện, thành phố tham gia Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.

Sau 2 năm triển khai đề án, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân đã phát triển liên kết chuỗi với tổng diện tích 609 ha cà phê; xây dựng 1 nhà trưng bày sản phẩm cà phê, 6 tuyến đường giao thông nội đồng phục vụ đi lại, vận chuyển nông sản.

Ông Phạm Huy Hợi (thôn 1, xã Ia Hrung) cho hay: “Gia đình tôi có 1,2 ha cà phê. Nhờ được chăm sóc theo tiêu chuẩn 4C nên vườn cà phê phát triển tốt, năng suất đạt gần 4 tấn nhân/ha. Đặc biệt, sản phẩm cà phê được thu mua với giá ổn định, gia đình rất yên tâm về đầu ra sản phẩm”.

Là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) đã xây dựng mạng lưới sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn thị trường quốc tế với sản lượng hàng năm trên 150 ngàn tấn.

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty-cho biết: Tham gia Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, Vĩnh Hiệp giúp bà con nông dân trồng cà phê cập nhật các tình huống diễn ra trên vùng nguyên liệu và góp phần giải quyết các vấn đề như: truy xuất nguồn gốc, chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Toàn tỉnh hiện có khoảng 46 ngàn ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn: VietGAP, 4C, Organic, UTZ, Rainforest Alliance…; khoảng 90 nhà máy, cơ sở chế biến với nhiều thương hiệu nổi tiếng như L’amant, Thu Hà, Thanh Thủy; 31 sản phẩm OCOP từ cà phê... Định hướng đến năm 2030, Gia Lai sẽ duy trì ổn định khoảng 100 ngàn ha cà phê, trong đó, 80% diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT): Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục vận động người dân tái canh cà phê bằng các giống mới; xây dựng các chuỗi liên kết cà phê được chứng nhận đạt tiêu chuẩn, gắn với cấp mã vùng trồng và phát triển hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các HTX và doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT cho ý kiến xây dựng Trung tâm logistics chuỗi cà phê, Trung tâm chuyển đổi số trong nông nghiệp tỉnh Gia Lai tại Cụm Công nghiệp số 2 huyện Đak Đoa để phục vụ cho tiêu thụ sản phẩm.

Gia Lai có lợi thế về đất sản xuất nông nghiệp với hơn 837.600 ha. Xác định việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn cho các loại cây trồng chủ lực có vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn hàng chất lượng phục vụ xuất khẩu, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tích cực phối hợp kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nhằm tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 69 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với 95 HTX, 72 tổ hợp tác, 23.806 hộ nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với trên 237.300 ha các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả...

Theo Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích cây ăn quả khoảng 55 ngàn ha.

Trước mắt, tập trung xây dựng các vùng sản xuất trái cây đặc sản gắn với du lịch nông nghiệp tại TP. Pleiku và các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Chư Păh, Đức Cơ, Kbang. Đến năm 2030, phát triển diện tích cây ăn quả của tỉnh khoảng 90 ngàn ha; nhân rộng và phát triển mô hình vườn cây ăn quả gắn với du lịch nông nghiệp tại TP. Pleiku, thị xã An Khê, Ayun Pa và các huyện: Chư Prông, Ia Grai, Đak Đoa, Đak Pơ, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang, Ia Pa, Chư Pưh...

Theo ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông: Kể từ khi mặt hàng sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ngành chức năng của huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn hộ dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt các tiêu chuẩn sản xuất, các quy định và yêu cầu của đối tác.

Trên địa bàn có khoảng 1.200 ha sầu riêng, trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 710 ha. Hiện đã có 8 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích khoảng 160 ha. Vừa qua, HTX Minh Phát Farms (thị trấn Chư Prông) và HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã ký kết hợp tác xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng trên địa bàn.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 256 ngàn ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 41,5% trên tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh); trong đó có 58.554 ha cây trồng đã được cấp chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn, gồm các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, chè, rau, củ, trái cây, lúa…

Đặc biệt, toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích hơn 80 ngàn ha, tập trung vào các sản phẩm chính như: cà phê 30 ngàn ha, mía trên 34 ngàn ha, cây ăn quả trên 20 ngàn ha. Ngoài ra còn có các loại cây trồng chủ lực khác. Có hơn 3 ngàn ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp phân bón qua tưới.

Bên cạnh đó, tỉnh đã được cấp 227 mã số vùng trồng với diện tích hơn 9.668 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.500-1.700 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ… Riêng nhóm hàng nông sản chiếm khoảng 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, nhiều mặt hàng nông sản đã xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm