Xã hội

Mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng-chống AIDS năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 29-11, Bộ Y tế tổ chức Mít tinh cấp quốc gia trực tuyến hưởng ứng Ngày thế giới phòng- chống AIDS (1-12) năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng-chống AIDS, ma túy, mại dâm dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ Mít tinh.

Dự lễ mít tinh tại điểm cầu Gia Lai có bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.

z6080039797573-9055b7d4f900f00ea73f5d074f1d9d26.jpg
Quang cảnh lễ mít tinh tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 10-2024, toàn quốc có gần 270.000 người nhiễm HIV, trong đó hơn 11.000 ca nhiễm mới, 1.263 ca tử vong. Hơn 68% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh, độ tuổi 15-29 chiếm tỷ lệ lớn. Nam giới nhiễm HIV vẫn giữ xu hướng tăng và chiếm hơn 80% tổng số ca nhiễm mới hàng năm.

Với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng-chống HIV/AIDS-Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, đó chính là công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng-chống HIV/AIDS có thể hiểu là việc bảo đảm rằng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác.

Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng-chống HIV/AIDS là việc bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng-chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử.

Kết thúc dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà bảo đảm rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long -Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng-chống AIDS, ma túy, mại dâm ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác phòng-chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội xác định công tác phòng-chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng-chống HIV/AIDS.

z6080039765212-591af5ac62ebf10958e5d32eedcc538b.jpg
Đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Gia Lai tham gia lễ mít tinh. Ảnh: Như Nguyện

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về phòng-chống HIV/AIDS bảo đảm phù hợp, đồng bộ. Ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nhất là chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Đối với ngành Y tế cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 cho phòng-chống HIV/AIDS. Tập trung triển khai các giải pháp chuyên môn phòng-chống HIV/AIDS, ưu tiên các cơ sở, địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ phòng-chống HIV/AIDS. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị dịch bệnh. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác phòng-chống HIV/AIDS.

Những người đang sống chung với HIV cần có cái nhìn tích cực, tư duy mới về việc sống chung với HIV, thúc đẩy quyền lợi và chăm sóc sức khỏe cho bản thân và những người cùng hoàn cảnh; hướng tới một xã hội không còn phân biệt và một tương lai không còn HIV/AIDS.

Dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cảm ơn và mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong phòng-chống HIV/AIDS, nhất là về tài chính, kỹ thuật, cập nhật tiến bộ khoa học, ứng dụng thực hành tốt nhất để đạt được mục tiêu đề ra.

Có thể bạn quan tâm