Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Mô hình nào cho hoạt động văn hóa dân gian?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Văn hóa không có cao hơn hay thấp hơn, không có hay hơn hay dở hơn, mà chỉ có sự khác nhau. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch, được tất cả mọi người thừa nhận. Do đó, việc tổ chức thi, chấm điểm các sinh hoạt dân gian như đã diễn ra trong thời gian qua gặp những vướng mắc, bất cập cũng là điều dễ hiểu.

Sinh hoạt văn hóa dân gian vốn có nguồn gốc từ làng xã. Đó có thể là một nghi lễ truyền thống, một hội hè đình đám có sự tham gia đông người. Dấu hiệu dễ nhận ra nhất của sinh hoạt này là sau một số hành vi tín ngưỡng, con người cá nhân hòa vào cộng đồng trong các sinh hoạt vui chơi, ca hát, nhảy múa, thi thố.

Sau năm 1975, nhằm giới thiệu, giao lưu, đặc biệt là để khẳng định tính ưu việt của chế độ mới, các sinh hoạt dân gian từng bước chính thức được xem là một phần của đời sống, thông qua các hội thi, hội diễn, liên hoan... Điểm chung của hình thức hoạt động này là chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, đài thọ kinh phí, người dân đóng vai trò “diễn viên quần chúng”-nghệ nhân. Chủ yếu diễn ra nơi hội trường hay các cơ sở công cộng có mái che, khán giả của hoạt động này thường không nhiều. Thực tế những năm qua cho thấy, sinh hoạt văn hóa dân gian ở cấp xã được tổ chức thường niên, cấp huyện 2-3 năm/lần còn ở cấp tỉnh, sinh hoạt này có chu kỳ 4-5 năm/lần.

Một cảnh sinh hoạt văn hóa dân gian trong Ngày Hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai, lần thứ Hai năm 2023. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Một cảnh sinh hoạt văn hóa dân gian trong Ngày Hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai, lần thứ Hai năm 2023. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Sinh hoạt dân gian nơi làng xã sau nhiều chục năm được vận hành theo mô hình trên đã hình thành một dạng thức mới: sân khấu hóa. Tại các sự kiện loại này, sự trình bày của các đơn vị tham gia khá giống nhau. Thường sẽ có một người giới thiệu trước mỗi tiết mục, sau đó tuần tự (hoặc xen kẽ) các thành viên trong đoàn (hoặc các đoàn) bắt đầu diễn cho đến hết. Để chương trình diễn ra như lịch đã công bố, mỗi đoàn được bố trí một khoảng thời gian nhất định, trong khung giờ cụ thể. Từ đó, các đoàn nghệ nhân buộc phải bố trí tiết mục của mình sao cho phù hợp với quỹ thời gian trên sân khấu.

Cuối cùng, kết thúc mỗi cuộc liên hoan, hội thi, một số giải thưởng được trao cho các đoàn. Việc chấm điểm, đánh giá các tiết mục, chương trình loại này thường khó thuyết phục được cả người trong và ngoài cuộc. Bởi thật khó để đánh giá sự cao-thấp, hay-dở hơn của một tiết mục văn nghệ dân gian. Về giám khảo hay hội đồng thẩm định nghệ thuật, thực tế nhiều năm qua cho thấy có 2 xu hướng: công chức, viên chức sở tại tự làm hoặc mời một số vị nghệ sĩ chuyên nghiệp cùng tham gia; đôi khi có thêm một số công chức, viên chức ngoài ngành Văn hóa.

Có một việc ít người để ý là giải thưởng, thứ hạng trong mỗi cuộc thi kiểu như vừa nêu ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng tồn tại và phát triển của văn hóa dân gian. Căn cứ vào nội dung và hình thức của các tiết mục/đoàn được giải cao, các nghệ nhân ngầm hiểu rằng đó là các tiêu chuẩn để cộng đồng mình phấn đấu làm theo. Điều này vô hình trung tạo nên những bản sao không cần thiết, làm mất tính đa dạng vốn là một đặc trưng quan trọng của văn hóa dân gian nơi cộng đồng. Ở một khía cạnh khác, do kinh phí có hạn, việc chỉ trao một số giải thưởng hạn chế cũng tạo nên những “tâm tư” đáng kể từ phía các đoàn không nhận được sự đánh giá tích cực từ những người có trách nhiệm.

Văn hóa, đương nhiên không có cao hơn hay thấp hơn, không có hay hơn hay dở hơn, mà chỉ có sự khác nhau. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch, được tất cả mọi người thừa nhận. Do đó, việc tổ chức thi, chấm điểm các sinh hoạt dân gian như đã diễn ra trong thời gian qua gặp những vướng mắc, bất cập cũng là điều dễ hiểu.

Đi tìm giải pháp cho vấn đề trên, chúng tôi cho rằng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã và đang có những thay đổi tích cực cả trong định hướng và hành động. Thay vì tái lập các cuộc thi như từng diễn ra nhiều chục năm trước trong hội trường, thời gian qua, ngày hội văn hóa cấp tỉnh đã được duy trì thường niên dưới hình thức khác. Bên cạnh việc sử dụng không gian Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) làm nơi tái hiện cuộc sống, lễ hội ở cộng đồng, nét mới nhất trong hoạt động này, thay vì dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số-thường được hiểu chưa đúng là chỉ gồm người Bahnar, Jrai, sự kiện chính thức trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của tất cả các cộng đồng dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả người Kinh.

Thay vì ban giám khảo hay hội đồng thẩm định như thường thấy, ngày hội văn hóa thành lập ban tổ chức gồm các công chức có năng lực chuyên môn, uy tín của ngành, đồng thời mời đại diện lãnh đạo của tất cả các đơn vị cấp huyện tham dự sự kiện cùng đánh giá, bầu chọn ra 3 đoàn có sự đầu tư tốt nhất về nội dung và hình thức chương trình. Phần thưởng vinh danh các “ngọn cờ đầu” này là giấy chứng nhận kèm khoản kinh phí tượng trưng (năm 2023, số tiền này là 1 triệu đồng/đơn vị). Do không còn thi nên cũng không còn phải xếp giải cao thấp. Thay vào đó, mỗi đơn vị đều được hỗ trợ một khoản tiền nhất định (năm 2023, số tiền này là 4 triệu đồng/đơn vị).

Sau 2 năm tổ chức ngày hội văn hóa, ngoài sự tiếp nhận hồ hởi từ phía các nghệ nhân, sự chung tay của lãnh đạo các đơn vị chức năng trong ngành Văn hóa cấp huyện, có một vài ý kiến cho rằng, việc không thi, chấm điểm như trước gây khó cho đơn vị khi phải báo cáo với lãnh đạo cấp huyện về thành tích của đoàn tham gia. Theo chúng tôi, đây không phải là vấn đề lớn, nó sẽ thay đổi khi lãnh đạo cấp huyện và các cộng đồng dân tộc nơi họ quản lý cùng nhìn về một hướng trong sáng tạo, trao truyền và hưởng thụ các giá trị đích thực của văn hóa dân gian địa phương.

Có thể bạn quan tâm