Phóng sự - Ký sự

Mô hình nhà kính trong sản xuất nông nghiệp: Công và tội! - Bài 1: Tối ưu hóa trong môi trường... khép kín

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mô hình sản xuất nhà kính đã làm chuyển biến rõ rệt ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua. Từ những làng hoa, vựa rau truyền thống vốn phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, với mô hình nhà kính, nông dân và doanh nghiệp có thể tối ưu hóa sản xuất trong môi trường khép kín.

LTS: Mô hình nhà kính (nhà màng lợp ni lông) đã có những đóng góp quan trọng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của người dân TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung trong vài thập niên trở lại đây. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển nóng, những tác động tiêu cực của nhà kính để lại cho môi trường, cảnh quan tại Đà Lạt rất rõ rệt. Vì vậy, chính quyền địa phương đang lên kế hoạch từng bước di dời nhà kính ra khỏi khu vực trung tâm.

Trồng dâu tây trong nhà kính hiện đại giúp năng suất tăng vượt trội so với trồng ngoài trời

Trồng dâu tây trong nhà kính hiện đại giúp năng suất tăng vượt trội so với trồng ngoài trời

Thay đổi cách thức sản xuất

Năm 1994, nhà kính được du nhập vào Đà Lạt thông qua Công ty Dalat Hasfarm đến từ Hà Lan để đầu tư trồng hoa công nghệ cao. Ứng dụng công nghệ hút ẩm, sưởi nhiệt, hệ thống tưới nhỏ giọt... trong nhà kính bước đầu cho thấy cây hoa sinh trưởng tốt, năng suất cao, chất lượng đồng đều, không phụ thuộc vào thời tiết. Với số vốn đầu tư khởi đầu là 700.000USD trên diện tích khoảng 1ha, đến nay công ty này đang hoạt động với số vốn trên 130 triệu USD, mở rộng diện tích nhà kính lên 340ha, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 4.000 lao động.

Từ thành công của Dalat Hasfarm, nhà kính dần xuất hiện rộng rãi ở Đà Lạt và hình thành nên các làng hoa trong khu vực nội thành. Bà Phan Thị Thủy (làng hoa Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt) cho biết: “Trước đây, bố mẹ tôi làm nhà kính từ khung tre, lồ ô để trồng hoa hồng. Dù chưa hiện đại như nhà kính khung sắt như bây giờ, nhưng nhờ đó mà hoa phát triển ổn định, mưa không sợ bị dập. Ngoài ra, hoa hồng sử dụng trung bình 160kg phân bón/sào/năm, trong khi ngoài trời phải dùng tới 250kg; lượng thuốc bảo vệ thực vật phun 40 lần/năm, còn trồng ngoài trời phun trung bình 90 lần/năm. Những ngày đến cữ cắt bông không sợ trời mưa gió. Kinh tế ổn định, xây nhà mới, sắm được ô tô một phần nhờ nhà kính”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, nếu người dân canh tác trong nhà kính một cách đồng bộ, khoa học thì bên cạnh lợi thế tăng năng suất vượt trội sẽ giảm bớt được rất nhiều chi phí đầu tư, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, nhất là lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Do vậy, để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, những năm qua, mô hình nhà kính đã được áp dụng mạnh tại Lâm Đồng. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh Lâm Đồng mới chỉ có hơn 1.100ha nhà kính, năm 2015 có khoảng 3.100ha, thì nay diện tích nhà kính toàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 4.476ha. Trong đó, TP Đà Lạt là địa phương có diện tích nhà kính lớn nhất với 2.554ha, chiếm 57% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh; lần lượt xếp sau là huyện Lạc Dương 942ha, Đơn Dương 340ha, Lâm Hà 280ha...

Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, diện tích nhà kính đơn giản do người dân tự lắp ráp bằng sắt, tầm vông chiếm khoảng 65%, diện tích nhà kính hiện đại nhập khẩu chỉ chiếm 3,8%, còn lại là diện tích nhà kính được các doanh nghiệp, cơ sở trong nước tự sản xuất, lắp ráp. Trước đây, khi mới du nhập, phần lớn người dân chỉ làm theo mô hình nhà kính bằng cách dựng khung tre, mái lợp ni lông. Đến khoảng năm 2015, khi các nhà cung ứng vật tư nông nghiệp phát triển thì việc làm nhà kính trở nên đơn giản, chi phí cũng rẻ hơn trước. Hiện để làm nhà kính, khung sắt cơ bản, người nông dân sẽ bỏ ra từ 180-250 triệu đồng/sào (1.000m2), trong khi những mô hình gắn liền với hệ thống thủy canh, công nghệ cao khác có chi phí có thể lên tới 500 triệu đồng/sào, thậm chí hơn 1 tỷ đồng/sào. Chi phí tương đối thấp so với các mô hình sản xuất công nghệ khác nên nhà kính vẫn được người dân ưu tiên đầu tư vì những hiệu quả mang lại.

Cho năng suất cao

Trong khu nhà kính hiện đại nằm ở thung lũng thuộc phường 10, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 7km, những luống cà chua xếp lớp đang thời kỳ cho thu hoạch, trái ken dày nặng trĩu giàn treo. Chúng tôi không thấy bóng dáng của người chăm sóc mà chỉ nghe âm thanh rè rè rất nhỏ phát ra từ chiếc mô tơ điện lắp đặt trong thùng nước vận hành hệ thống thủy canh hồi lưu. Anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Thủy canh Việt, cho biết: “Bí quyết nằm hết trong cái điện thoại. Thông qua các ứng dụng, cảm biến, truyền tín hiệu, chủ khu vườn có thể nắm bắt toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển cũng như phát hiện mầm bệnh của cây trồng. Cả khu vườn hơn 7.000m2 nhưng chúng tôi chỉ duy trì thường xuyên 2-3 lao động”.

Khi được hỏi về điều kiện cơ bản để áp dụng công nghệ, anh Huy nói: “Bắt buộc phải lắp đặt trong nhà kính, vì các thiết bị đặt ngoài trời sẽ không thể thu thập chính xác các chỉ số. Trong nhà kính, người dùng sẽ kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm, cách ly với môi trường xung quanh”. Riêng với ứng dụng trồng rau thủy canh hồi lưu, anh Nguyễn Đức Huy nhận thấy, trước đây hệ thống tưới nhỏ giọt vốn đã rất tiết kiệm so với trồng tưới truyền thống (nhưng nước sau đó thường sẽ xả bỏ), trung bình mỗi ngày phải dùng tới 10-20m3 nước/sào (1.000m2), nhưng ứng dụng công nghệ hồi lưu thì dòng nước được tái sử dụng, chỉ phải châm thêm nước với lượng khoảng 500 lít/sào, vừa tiết kiệm nước vừa giảm chi phí vận hành...

Trang trại trồng hoa trong nhà kính của Công ty Dalat Hasfarm (phường 8, TP Đà Lạt)

Trang trại trồng hoa trong nhà kính của Công ty Dalat Hasfarm (phường 8, TP Đà Lạt)

Trang trại trồng ớt ngọt, dưa leo, xà lách của ông Lê Văn Đức (phường 8, TP Đà Lạt) cũng được bao phủ 100% bởi nhà kính, tách biệt hoàn toàn với môi trường bên ngoài thông qua hai lớp cửa kéo. Ông Đức cho biết: “Vườn nhà mình nếu sản xuất theo phương pháp hữu cơ, bắt buộc phải tạo môi trường theo tiêu chuẩn nhà phân phối yêu cầu. Nếu trồng ngoài trời, việc kiểm soát các chỉ số rất khó khăn. Nếu ngày mai luống rau nhà mình thu hoạch mà vườn hàng xóm phun thuốc bảo vệ thực vật, sẽ rất khó đảm bảo lượng thuốc đó không bay qua. Các tiêu chí về chất lượng ngày càng yêu cầu cao, bắt buộc mình phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ”.

Không chỉ trồng rau, hoa cho sản phẩm mà khâu ươm giống cũng đã được ứng dụng mô hình nhà kính rộng rãi. “Ươm giống vốn rất khó, vì cây chưa có sức đề kháng nên trồng ngoài trời gần như không thể trong bối cảnh hiện nay”, anh Thái, chủ vựa cung cấp giống hoa cúc ở phường 5, TP Đà Lạt chia sẻ. Theo anh Thái, mỗi năm, các vựa ươm giống ở Đà Lạt cung cấp hàng chục triệu cây giống tại địa phương, các vùng lân cận và xuất khẩu, tất cả đều phụ thuộc vào nhà kính sẵn có.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, các con số tăng trưởng ấn tượng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung qua các năm phần lớn đều có “đóng góp” của nhà kính. Hiện mô hình nhà kính còn được kết hợp nhiều ứng dụng công nghệ thông minh khác, lắp đặt hệ thống kết nối vạn vật, thiết bị cảm biến điều khiển tự động, công nghệ đèn led tối ưu hóa quá trình sinh trưởng của cây hoa cắt cành; công nghệ thủy canh cách ly môi trường tự nhiên; xây dựng phòng thí nghiệm và sử dụng công nghệ cấy mô nhân giống chất lượng cao...

Tại Đà Lạt, ngoại trừ phường 1 và phường 2 ở khu trung tâm, tất cả phường xã còn lại đều có sự hiện diện của nhà kính, tập trung nhiều ở các làng hoa truyền thống như Thái Phiên, Hà Đông, Vạn Thành… Nếu như năm 2005, giá trị sản phẩm thu được khoảng 65 triệu đồng/ha, thì đến nay nông dân Đà Lạt thu được khoảng trên 350 triệu đồng/ha/năm. Ứng dụng mô hình nhà kính cho năng suất cao hơn 2-3 lần, giá trị nông sản cao hơn 1,5-2 lần so với mô hình không trồng trong nhà kính, tùy theo loại rau, hoa.

Có thể bạn quan tâm