TN - Đất & Người

Mô hình nuôi gia súc ở Tơ Tung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tơ Tung là một trong 5 xã tham gia Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn triển khai tại huyện Kbang. Khi được dự án tài trợ vốn sản xuất, bà con trong xã đã hăng hái tham gia đăng ký thành lập các nhóm chung sở thích nuôi trâu và nuôi dê để cùng nhau phát triển kinh tế.

Nhóm chung sở thích (CIG) nuôi trâu làng Cao Sơn (xã Tơ Tung) có 16 hộ thành viên, trong đó có 12 hộ nghèo và cận nghèo. Khi Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn triển khai về xã, bà con trong làng đều hăng hái tham gia. “Từ nguồn vốn dự án tài trợ và vốn đối ứng do nhân dân đóng góp, nhóm quyết định mua trâu cho 4 hộ là hộ ông Cảnh (17 triệu đồng), ông Nhằm (15 triệu đồng), ông Dương (22 triệu đồng) và ông Niệm (19 triệu đồng). Trong đó, trung bình mỗi con trâu được Dự án hỗ trợ 10 triệu đồng, phần còn lại người dân đóng góp. Để đảm bảo cho trâu phát triển khỏe mạnh, các hộ thành viên làm chuồng trại nuôi nhốt cẩn thận, đồng thời trồng thêm cỏ với tổng diện tích khoảng 1 ha để tạo nguồn thức ăn phong phú cho đàn trâu”-ông Hoàng Văn Vang-Trưởng nhóm CIG làng Cao Sơn cho biết.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các thành viên nhóm CIG nuôi trâu làng Cao Sơn, sở dĩ họ chọn mô hình nuôi trâu thay vì phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác là vì con trâu rất gắn bó và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình lao động sản xuất của người dân nơi đây. Ông Vang cho biết: “Các cụ xưa có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Bà con thôn Cao Sơn chủ yếu là người dân tộc phía Bắc, di cư từ các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng vào. Trong tập quán sản xuất của bà con, con trâu không chỉ giúp kéo cày, vận chuyển nông sản mà còn cung cấp nguồn phân bón cho các loại cây trồng… Mặc dù vào Tây Nguyên lập nghiệp nhưng bà con vẫn giữ nếp ấy. Làng Cao Sơn có lợi thế bãi cỏ để chăn thả gia súc rất rộng rãi nên nuôi trâu là hợp lý nhất”.

Tham gia Dự án, niềm vui lớn nhất của các hộ thành viên là được tiếp cận nguồn vốn bởi hầu hết đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù nắm giữ kinh nghiệm chăn nuôi trâu từ bao đời nay, tuy nhiên, mỗi thời điểm, mỗi vùng địa lý lại đòi hỏi những kỹ thuật chăm sóc khác nên khi được tập huấn kỹ thuật, bà con rất yên tâm, phấn khởi vì được thu nhận thêm nhiều điều bổ ích. “Nhóm nhất định sẽ cố gắng phát huy hiệu quả nguồn vốn được tài trợ. Sau khi đến chu kỳ xoay vòng, nhóm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để ngày càng nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”-ông Vang nhấn mạnh.

Tương tự nhóm CIG nuôi trâu làng Cao Sơn, các thành viên nhóm CIG nuôi dê làng Lơng Khơng (xã Tơ Tung) cũng rất vui mừng khi nhìn thấy thành quả mà Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn đem lại, đó là đàn dê nhân ngày một đông thêm. Nhóm CIG nuôi dê làng Lơng Khơng có 20 hộ thành viên và được tài trợ số vốn là 40 triệu đồng. Từ nguồn vốn này cộng với số tiền nhân dân đóng góp thêm, đầu năm 2016, nhóm đã mua 46 con dê giao cho một số hộ thành viên nuôi. Đến nay, đàn dê của bà con đã phát triển lên trên 60 con. “Bà con ai cũng phấn khởi vì được tài trợ vốn mua dê về nuôi, lại được hướng dẫn cách trồng cỏ để giảm nhân công chăn thả. Mong muốn của bà con trong nhóm thời gian đến là dự án mở thêm lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê để bà con nắm bắt thêm một số kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho đàn dê, nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình”-ông Hoàng Xuân Thượng-Trưởng nhóm CIG nuôi dê làng Lơng Khơng nói.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm